Có
lần Út hỏi anh Hai có viết xong cho Mẹ chưa, mình nói chưa, cũng vì lo cơm gạo
quá. Những ngày mẹ vừa mất mà chưa viết được thì chắc khó viết lại. Tình cờ thấy
được một đoạn viết cũ trong ổ cứng, phải lưu lại không thì một lần nữa lại lạc
mất:
Mẹ tôi nằm bệnh viện. Vợ tôi nhắn : mẹ nói anh bận
việc thì không cần vào. Anh nhớ ăn hết chỗ rau xào nhé. Quên, chén bát rửa dùm
em, quần áo giặt liền rồi mang phơi ngay nha.
Khi em gái út báo là mẹ nẳm ở bệnh viện huyết học,
tôi đã se lòng mà nghĩ rằng rồi điều mà mọi người con sẽ phải đối mặt đã gần tới.
Em tôi làm nghề y, là người biết trước bệnh của mẹ. Nó dặn đừng nói gì với cả
ba lẫn mẹ, là mẹ bị ung thư.
Những ngày sau, mẹ tôi vẫn phải nằm lại để chờ chọc
tủy. Nên sáu đứa con, kể cả dâu rể phải thay phiên nhau trực bên mẹ. Ba mẹ tôi ở
chung với Út, vì chỉ có nó mới chăm sóc được tốt cho ông bà. Nhưng Út luôn phải
làm việc ở xa, có khi một năm chỉ ở nhà được vài tháng, nên gần ông bà nhất lại là ông con rể. Cậu rể
cũng thường bận, rốt cục chỉ có hai ông bà với nhau. Mẹ tôi không chịu có người
giúp việc, bà chỉ ưng chị dâu cả. Vợ tôi tuổi Hợi, hợp với ba mẹ tôi.
- Ba tôi ở
nhà không yên được lúc nào cả, cứ đi vào đi ra. Dường như ông hiểu đây là những
ngày cuối của mẹ tôi. Buổi tối thức dậy, ông đi tìm mẹ, và nói mẹ bị ai bắt rồi.
Ông chưa lẫn, nhưng lúc nhớ lúc quên. Vì không nhớ đường, nên ông không đến được
bệnh viện. Ba tôi nói:
- Ba không nhớ
đường. Không nhớ gì cả. Tội nghiệp con, bận thì thôi cứ để ba đi con ạ.
Tôi chỉ cười,
vì ông không nhớ được thì làm sao mà tự đi. Qua đường Bà Huyện Thanh Quan, ông
nói cái hội trường đó lớn lắm con ạ. Và thêm: Ông nào chắc giỏi, mới được người
ta lấy tên mình đặt tên đường.
Đi qua mỗi con đường, tôi nhắc tên cũ thì ông còn nhớ:
đường Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự. Có lẽ những gì cũ hơn thì người già nhớ được
lâu hơn. Ông bảo hơn chục năm rồi không đi xe đạp, chứ nếu còn đi thì ông nhớ
được đường.
- Thằng Si nó
giỏi lắm con ạ. Nó về thăm, chở ông bà đi chơi, mà nhớ hết mọi con đường.
- Ông nhìn tôi và nói, con mặc áo giống nhà sư.
Nâu vậy ít phải giặt. Ông vẫn nghĩ thằng con cả như thế. Đúng là những năm đi học,
tôi có một bộ đồ bộ đội măc suốt bốn mùa, nóng lạnh gì cũng cứ vậy. Cho đến giờ,
ông vẫn nhìn tôi như một tay luộm thuộm. Nhớ những năm nào, sức khỏe yếu, ông gọi
cậu em tới và nói: trong nhà, ba chỉ tin
con. Không biết ông đã nói gì với cậu em, nhưng tôi biết chỉ vì nó có tuổi Đảng
già nhất trong ba anh em...
Vài bữa trước ngày mẹ ra đi, tôi còn nghe mẹ trách
cô Út: Mẹ còn đẻ ra tiến sĩ mà không biết bệnh mình thế nào sao?