27.11.08

Những nỗi buồn không chịu gọi tên



Những nỗi buồn không chịu gọi tên
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)


Mấy năm rồi, tôi vẫn vẽ đều, và tranh cũng đôi lúc bán được.
Tôi đã không biết đến một nhà phê bình nào cả, rằng tranh phải sao mới là hay, và thế nào thì bị coi là dở. Tôi chỉ vẽ vì phải sống, và đã sống được bằng nghề. Trước khi phải tốn tiền cho màu và cọ, tôi phải đi kẻ biển, vẽ bảng số xe, cắt chữ…
Ngày nay, bán được nhiều tranh chưa có nghĩa là hay, và cũng thế, tranh hay chưa chắc đã bán được.
Đúng là tôi vẽ chưa hay, nhưng tranh của tôi bán chạy. Tranh vẽ để đẩy đi nhanh, thì chỉ có loại hàng mỹ nghệ. Ừ thì tôi nhằm vào lớp những người mới vừa giầu lên. Họ mua tranh không phải để giữ lại làm của, chỉ vì treo lên thế mới sang, mới đúng kiểu phòng khách . Giá tranh vì vậy cứ đứng ở cái tầm ấy, dễ vẽ dễ mua. Người ta vẫn gọi là tranh chợ. Những tranh kiểu này, tiền làm khung còn mắc hơn tiền tranh.
Ơn trời, vợ tôi bây giờ không dám quăng đi những mẩu vẽ phác của tôi nữa. Em vuốt chúng lại cho thẳng, cẩn thận để lại trên giá vẽ . Lâu rồi, em không còn giục tôi phải đi ăn cơm cho đúng giờ, hay phải tắm liền đi không lại cảm. Biết tôi đã vẽ là lúc đang có hứng, dù ngày hay đêm, em cũng chỉ nhắc tôi: Anh bệnh rồi đó. Có chuyện gì lại khổ vợ con. Người ta có thể chưa khổ hẳn vì nghèo, nhưng sẽ khổ ngay nếu ngày mai chưa có tiền đi chợ. Gạo ăn đong là thế.
Vợ tôi đã bắt đầu hiểu một ít về tranh pháo, nhưng tôi biết chắc là từ bé đến giờ, trừ những bài phải học thuộc lòng thời đi học, chưa bao giờ em thích thơ cả. Cũng may, nghề vẽ coi vậy mà được hơn, vì văn thơ mà bị chê, bị “đánh” thì rồi có thể đau mà muốn chết đi được. Cái sự bị chê của nghề vẽ nó đến chậm hơn, khi ta chợt biết là mình dở thì đã già rồi. Tuổi già không cho phép ta buông bỏ cái gì, vì không còn kịp để làm lại một cái khác. Nên ta vẫn cứ tiếp tục dở như thế, y như cũ.
Bạn nói với tôi: ông yêu nghề, say nghề, làm nhiều, nhưng không có tài. Tiếc cho ông, nhưng cũng đừng nản, vì ông ở trong cái số nhiều. Cứ vẽ thế đi. Tôi cãi lại bạn: chưa làm được gì nhưng đã làm, thì là quý rồi, ông ạ. Ông cứ thử vẽ đi, như tôi xem.
Tranh vẽ để sống và tranh vẽ cho mình rất khác nhau. Họa sĩ vẫn có chốn riêng của mình, để làm cái mình thích, làm cái chưa làm được. Người ta sẽ phán rằng đó là cách để thoát vào một cõi khác, để trốn mình, và chỉ có mình ta nơi ấy, ta mới được là ta. Tôi chẳng trốn ai cả, nhưng sẽ làm vậy nếu hai tháng liền không nộp đủ lương cho vợ.
Nên bạn vẫn khen là tôi vẽ đều tay.
Đến một lúc nào đó, ta có thể muốn được nghỉ ngơi đôi chút. Và được làm thật cái mình thích. Nó là cái không bán được, và phải được làm khi không bị ai nhắc về cái nợ áo cơm. Thật không có gì thú hơn. Và tôi bắt đầu với chân dung tự họa. Người ta thường làm thế khi đã có một chút danh. Tôi không thấy xấu hổ về điều này. Khi đã là gì đó, đã nổi lên, ai cũng muốn để đời gương mặt của mình. Có thể không được nhiều người thích, nhưng ngày sau còn có cái để mà bàn. Thì tôi cũng đâu có ngại gì.
-Anh cứ vẽ anh đi, nhưng để cho xong thì em thấy còn lâu đấy. Tôi biết vợ thương tôi, tránh cho tôi phải nhớ là mình vốn xấu trai. Lại nữa, em sẽ không bao giờ nói là tôi chẳng có tài. Tôi biết vợ tôi luôn nhớ, là tháng này tôi sẽ phải làm xong cái gì, vì đã có đơn đặt hàng từ trước cả rồi. Vợ tôi chỉ sợ tôi sẽ bỏ thời giờ vào đó nhiều hơn cái mức cần. Và nồi cơm vì vậy cũng sẽ vơi đi. Nên tôi phải tạm gác lại cái mà tôi thích. Cái cần của tôi bây giờ là cái cần của người khác, của người đã bỏ tiền ra đặt tranh tôi . Áo tứ thân, nón lá, giếng làng, phố cổ, rồng phượng, hoa văn, gạch non gạch già, loằng ngoằng thư pháp…
Vậy là tôi đành để “tôi” lại đấy. Tôi vẽ “nàng”.
…Trong đời, có nhiều lúc ta lẫn lộn về thời khắc. Tôi không nhớ được là ngày ấy hay bây giờ, đang buổi sáng, hay chiều tối. Tôi chỉ thấy là mình đang sung sướng. Nàng của tôi mặc áo dài. Bao nhiêu đó là đủ để tôi vẽ không biết mệt. Tôi như nghe thấy từng giọt nhỏ mồ hôi đang lăn nhẹ trên cổ em.
Áo dài thật khó vẽ . Vì chính nó luôn đẹp, bút mực đã khó tả nổi, thì cọ vẽ càng khó hơn. Đó là cái cuốn hút từ dưới lớp vải mỏng của cái quần dài.
Tôi đưa cây cọ qua lại mà chưa bắt đầu gì cả, dấu không cho em biết là tôi đang ngắm em. Phải thuộc từng nếp gấp, để rồi sau đó chỉ vẽ bằng trí nhớ thôi, mới lột được cái thần. Bây giờ em đang có hình hài mà như không có. Và tôi chỉ cần cái cảm nhận này, đủ để phác được thật nhanh chân dung em. Trong một lúc, tôi quên là không cần phải cố nhiều đến vậy, vì tranh chợ đâu cần phải quá hay. Không, tôi phải vượt qua cái ngưỡng đó. Tôi không muốn là tới lúc này, tôi vẫn đứng ở chỗ của họa sĩ hạng hai.
Diễm nghiêng đầu nhìn tôi, nói như thật:
-Em biết tỏng anh ra rồi.
Tôi vẫn im lặng. Đừng làm rối anh.
Nhưng Diễm luôn là người không vừa:
-Em biết anh cũng chẳng sắt đá gì ...
Đã bảo mà. Chẳng người mẫu nào nhiều lời như em.
-Anh có tin là anh coi cũng được không. Có nét đấy. Em mà vẽ anh, thì ối người phải mất tiền. Coi kìa, cái mặt khó đăm đăm, cá tính đấy. Em thích.
Diễm cứ lấp lửng, chẳng biết em thích tranh tôi hay là thích tôi. Nhưng tôi là người biết sợ. Vì ai mà phải có cái mặt khó nhìn vậy, thì em biết rồi. Trước mặt Diễm, tôi mà tỏ ra bắt được của là chết chắc. Diễm có biết là mỗi ngày, người nào vẫn hỏi anh: sắp xong chưa không. Kỳ này, cả hai con đóng học phí một lần đấy anh ạ. À, xăng lên tới mười chín ngàn rồi.
Ừ, nhớ rồi vợ ạ. Thì đang vẽ đây mà.
Diễm vẫn không chịu ngừng lại:
- Anh. Hiếm gặp đấy. Nếu không rung lên, thì sẽ chẳng bao giờ làm gì được đâu.
Bực quá. Cây muốn lặng rồi, sao gió chẳng đừng. Nếu không có bà ấy ở đây, thì đừng bảo là anh nhát. Nhìn tôi, Diễm hiểu ngay tôi định nói gì:
- Chị ấy đi rồi. Cứ tin em đi. Vì hôm nay em bận đồ, có nude đâu mà lo.
Em thêm:
- Mà có gì thì vẫn có sao. Cùng lắm thì là yêu chứ gì.
Thôi, hay là anh đừng vẽ áo dài nữa. Áo tứ thân – nhưng hai dây, e ấp, hay hơn nhiều, new, lại dễ bán.
Chẳng cần đợi ý của tôi thế nào, em đã có ngay cái mẫu mới. Mẫu này biểu cảm hơn nhiều, nên họa sỹ tôi cũng phải theo đà thôi. Dựng hình thì lâu, chứ xóa đi thì chỉ cần cái cọ lớn. Tôi liền có một bản phác mới.
Diễm lại nói, tôi không biết em đọc ở đâu ra, cái chuyện mà chính tay trong nghề như tôi mà chưa từng biết:
- Tại sao đặt tên tranh là “Nụ hôn” mà chỉ vẽ có một mắt, vì khi ấy còn thấy gì nữa. Con mắt còn lại vẫn phải mở, để trông chừng xem liệu có ai thấy không!.
Diễm đã không còn ngồi ở đó từ lúc nào.
-Để em thử, xem anh còn thấy gì. Chán anh.
Liền đó tôi bị ngạt thở. Tôi đã không biết sau đó mặn ngọt thế nào, thấy hay không thấy, là đêm hay là ngày… Tôi như bị kéo tuột xuống , một nơi nào sâu lắm. Tôi trôi như thế mãi mà không thể thoát ra được. Thà rằng chạm tới đáy cho rồi đi, cứ rơi mãi thế này thật không chịu nổi.
Bỗng nghe giọng ai thật quen :
- Em, em nào?. Con nào?.
Trước khi bị chết ngạt, tôi còn kịp la lên : Không phải tôi. Cái tật tôi quen chối . Chẳng biết ất giáp thế nào, cứ chối đã. Chính Mậu tiên sinh đã dặn kỹ: Tốt nhất là đừng nhớ tên ai, cứ gọi chung là em.
Tôi gạt cái chân của vợ đang đè nặng lên cổ tôi, và kịp biết lúc này đã gần sáng rồi. Anh mơ gì mà không la cho to hẳn lên, cứ em em trong cổ họng. Tôi hiểu ngay là đã sơ sẩy vừa gọi tên ai rồi. Tôi đã mơ như thế, và còn nhiều nữa, nhưng tôi sẽ không kể ra hết đâu.
Thế. Đừng hòng bắt vở anh. Tôi cười để khỏi phải trả lời. Sao thì em biết rồi, còn phải hỏi. Em, có thể là mai lan cúc trúc, cũng có thể là vợ anh.
- Em!
-Ừ. Vợ tôi tỏ ra rộng lượng:
-Anh làm em sợ. La cứ như bị chết đuối ấy.
-Thì em bỏ nốt cái chân kia ra.
...Tôi không có ý còn muốn nằm nán lại, để khỏi bỏ dở cuộc mơ. Vợ tôi đã đi ra, tôi nghe không lầm, là em đang đọc thơ:
Những nỗi buồn
không chịu gọi tên …
Em làm thơ từ khi nào vậy. Nhưng đó thật là một gợi ý hay. Chắc em đang tính chép nó vào đâu đó, không thì lại quên. Dào, già rồi còn thơ thẩn …
...Sáng hôm sau, tôi thấy cái vỏ thuốc lá mà tôi mang về hồi hôm, được vợ tôi đặt ngay ngắn trên giá vẽ. Ngoài vỏ bao có những dòng nguệch ngoạc của tôi, viết trong lúc chưa say: Những nỗi buồn không chịu gọi tên.


3 nhận xét:

  1. Đến một lúc nào đó, ta có thể muốn được nghỉ ngơi đôi chút. Và được làm thật cái mình thích. Nó là cái không bán được, và phải được làm khi không bị ai nhắc về cái nợ áo cơm. Thật không có gì thú hơn. Và tôi bắt đầu với chân dung tự họa.
    Sâu sắc lắm vì mấy ai đã lánh được cái nợ áo cơm
    nên đã chẳng được là chính mình
    Thăm Nam CHúc vui

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn chú Đương, đúng vậy chú ạ. Có người không đương nổi với nợ đời nên làm khổ cả vợ con. Ít người được thư thả mà làm được chuyện mình thích. Chúc chú vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  3. Viết rất có duyên. Thế này chắc đã nhiều nợ !

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails