28.2.10

Tuyết

Tuyết
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Đời có nhiều cái phải bỏ cuộc giữa chừng, hoặc chỉ làm đến một nửa. Cái không thể để được đến mai, mới thật là thơ. Thơ thường khởi từ cái không mà thành có. Điều không thể sẽ là có thể.
Nhưng nhà thơ không phải cứ hay mãi, cũng có lúc viết chẳng đều tay. Thơ không được ròn, chính là lúc ta bị hỏi: vì sao vậy?
Thơ hay ý đẹp, không thế sao phải học, phải thi. Thơ cũng cần được giặt cho sạch, và thay mỗi ngày, cho mới, nếu không, phải nghe mãi một điệu quen sẽ thành nhàm. Thơ vui hay buồn cũng vậy, hết ý là chẳng còn được chữ nào trong đầu. Làm thơ cho vui, hoặc chỉ để chơi thế. Xới câu chữ rối lên, đã rỗng thì cho rỗng cả. Chưa biết bạn sẽ thích tới đâu, nhưng cứ làm thơ cho mình, hoặc chỉ cho một người thôi.
Thơ thật khó đem tặng, ta không thể mang nó cho người không thích. Những người bận lo kiếm ăn, đừng lấy thơ ra khoe, họ sẽ lại cười cho.
Thơ, khó đấy, chẳng phải là việc dễ làm. Họa sĩ lớn là người vẽ cái mà chỉ mình họ hiểu, nhà thơ lớn cũng vậy. Thơ mà không hiểu được thì là do mình dở.
Thế nào là không đề? Như tấm toile trắng ấy, đặt tên cho nó là tuyết. Lạnh từ trong lạnh ra, cái buồn nó mới rỗng cỡ nào. Tuyết và lạnh cũng có khác gì nhau.
Hay là nàng tên Tuyết?
...
Bạn tôi lúc này có chuyện buồn, nên làm thơ lại.
Em đã chẳng mủi lòng, lại yêu ngay ông bạn quý của anh. Về cuối đời phải tin nhầm vào bồ của bạn.
Trước vì yêu nên chậm có tóc bạc, nay cũng vì yêu mà tóc lại ra màu tuyết. Dù bạn tôi chẳng gầy đi hay mập ra, gương mặt đã rõ ra là biết buồn, cái tuổi buồn muộn. Biết tính bạn rồi, còn phải hỏi, có khi lại chẳng buồn vì cái gì cả. Có khỏe như trước đâu mà còn có Tuyết hay Băng nào theo.
Nhà thơ bạn tôi:
- Tuyết tan rồi cũng vào sông, và ra biển. Nơi ấy ngã ba, có thật mà!
(từ một ý thơ của chú Nguyễn Đương)

27.2.10

Eşref Armağan, họa sĩ mù

Eşref Armağan, họa sĩ mù
   Eşref Armağan (1953), họa sĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông bị mù, không từng được học qua hội họa, và vẽ sơn dầu bằng các ngón tay trong hơn ba mươi năm qua. Ông đã có 20 cuộc triển lãm tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Trung Quốc, Hà Lan và Cộng hòa Séc. Từ lâu, khả năng phi thường của ông là chủ đề của nhiều nghiên cứu khoa học về nhận thức con người.
   Năm 2009 Armağan được Volvo mời vẽ những mô hình mới của mẫu xe S60. Các tranh của ông rao bán trên eBay, và được giá tới US $ 3.050.

23.2.10

Steps-Last thing on my mind(1998)

StepsLast thing on my mind (1998)
Như được nghe những giai điệu đẹp của ABBA.
Last Thing On My Mind được nhóm nhạc Anh Bananarama trình bày năm 1992, và nhóm Steps chơi lại năm 1998, với nhịp nhanh hơn. Last Thing On My Mind còn là tựa hai bài hát khác, một của Tom Paxton và một do LeAnn Rimes & Ronan Keating trình bày.


Tạm dịch: namkts57
There was something in your voice
That was telling me don't be too sure
Arousing my suspicions
I have never felt before

I thought we had it made
I thought you'd never go away

But now you're suddenly like a stranger
And you're leaving our love behind
Of all the things I was ever planning for
This was the last thing on my mind

When I looked into your eyes
There was something you weren't telling me
But in my confusion
I just couldn't see

If there was any doubt
I thought we would work it out

But now you're suddenly like a stranger
And you're leaving our love behind
Of all the things I was every planning for
This was the last thing on my mind

There was something in your voice
That was telling me don't be too sure
Arousing my suspicions
I have never felt before

I thought we had it made
I thought you'd never go away

But now you're suddenly like a stranger
And you're leaving our love behind
Of all the things I was every planning for
This was the last thing on my mind
(x2)
Điều gì trong giọng nói của em
đã mách bảo anh điều không chắc
lòng lại càng thêm nghi ngờ
trước đây anh chưa từng cảm thấy

Anh vẫn nghĩ ta đã làm hết cách
để mình sẽ chẳng bao giờ xa nhau

Nay sao em bỗng như người lạ
đành lòng bỏ lại tình ta
luôn cả những điều anh định làm
cũng là điều còn lại sau cùng trong anh

Khi anh nhìn vào mắt em
Có điều gì mà em không nói
Ôi sự nhầm lẫn của anh
chỉ là do anh chẳng thể biết

Nếu có chút nghi ngờ nào
mình cũng nên làm sáng tỏ

Nay sao em bỗng như người lạ
đành lòng bỏ lại tình ta
luôn cả những điều anh định làm
cũng là điều còn lại sau cùng trong anh

Điều gì trong giọng nói của em
đã mách bảo anh điều không chắc
lòng lại càng thêm nghi ngờ
trước đây anh chưa từng cảm thấy

Anh vẫn nghĩ ta đã làm hết cách
để mình sẽ chẳng bao giờ xa nhau

Nay sao em bỗng như người lạ
đành lòng bỏ lại tình ta
luôn cả những điều anh định làm
cũng là điều còn lại sau cùng trong anh
(x2)

22.2.10

Giấc mơ đầu năm



 Giấc mơ đầu năm
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Giấc mơ đem đến niềm vui hoặc nỗi buồn, nhưng dù có thế nào, nó cũng chưa phải là sự thật.
Trong đời, giấc mơ không phải là hiếm gặp. Trong một chuỗi những buồn vui lớn nhò, cũng có nhiều chỗ cho giấc mơ.
Những giấc mơ vui là quà tặng về những điều không thể. Còn những giấc mơ buồn, không ai muốn nhớ lại chúng. Điều xấu sẽ là điều chưa tới,  còn điều tốt sẽ đến chỉ nay mai thôi.
Mơ trong lúc ngủ vẫn chưa hay bằng mơ lúc tỉnh, vì khi đó, ta mới để lại được cho đời một chút gì. Làm thơ là giấc mơ đẹp, nó còn mang ước vọng theo ta cho tới ngày hôm sau.
Mơ chỉ có ích cho ta chứ không hại gì , vì chúng chữa lành được nhiều bệnh, những bệnh chớm có thì dễ khỏi hơn. Duy chỉ có tình yêu, do mơ quá nhiều mà thành bệnh. Bệnh rồi sẽ nặng thêm, nhưng cũng đừng quá lo, hãy làm thơ.
Nếu ta không mơ, thì không có niềm vui nào sẽ đến nữa. Điều gì khó có được ngoài đời, hãy đem gửi hết cả vào câu chữ.
Trong mơ thường hay muốn những điều gì mà người khác có, nếu ta đã có rồi thì chẳng phải mơ nữa. Các giấc mơ còn có thể lặp lại vào những lần khác. Khi ta muốn ngủ lại để mơ tiếp giấc mơ dở, cũng đừng nên kể lại cho vợ nghe.
Vừa qua Tết đã mơ thấy có sự mừng vui. Bạn tới rủ đi nhậu, cũng là chuyện khó tránh,  dù biết là phải hao tài đến nơi. Thay vì bị kẻ xấu phá quấy làm cho bực mình, hãy mất tiền vì bạn. Sẽ không còn phải coi chừng bị mất thêm của nữa... Tới ngay nhé, chỗ cũ, cũng chuyện văn thôi mà.
Năm nay tuổi Đinh Dậu gặp sao Mộc Đức, tài lộc sẽ vào nhiều, có thêm sức khỏe, có việc vui đưa đến, mọi việc định sẽ thành, phần được sẽ về mình cả, nhưng cũng chớ nghe lầm kẻ nịnh mà mất của. Nếu lỡ mà mơ thấy rùa bò vào tới tận chân, phải mau tỉnh lại ngay, chớ chắp nối lại cuộc dang dở nào nữa. Đừng chuốc buồn cho mình, vì đó là điềm chia rẽ, vợ chồng phải xa nhau. Có thấy của rớt cũng đừng nhặt, lỡ năm rồi có lượm được thì cũng phải đem trả. Ra giêng, hết mùng phải làm ngay, không thì hỏng cả.
Nếu mơ thấy bếp lò không cháy, hoặc bếp lạnh không lửa, thì đó là điềm báo vợ sẽ không nấu cho ăn nữa. Cứ đi sớm về khuya, sẽ không có ai chờ cơm đâu.
Mơ khác với mê, vì mê là lầm. Hãy mơ một cách đẹp. Chọn cho mình giấc mơ tại nơi thường trú.
Giấc mơ không nói trước được điều sẽ đến, chỉ có ta tưởng thế thôi.
            Nếu mơ mà không nhớ được gì thì may, vì hôm nay cũng chưa khác hôm qua.

19.2.10

Ô...ba...ma

Ô...ba...ma
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Khi buồn hoặc chán, ta thường nhắc lại chuyện cũ. Ngày xưa đâu có thế. Chợt tiếc những gì từng có, nhưng vẫn ước... giá không có chúng, vẫn còn hơn.
Thực ra thì mọi việc vẫn ổn. Chuyện vặt mà, mấy mươi năm còn gì, cũng có khác đâu. Lâu dần rồi cũng quen, như quen nhìn cái áo cái quần cũ vậy.
Trong nhà, việc nhỏ em lo, còn lại, việc nhỏ hơn, thì để anh. Vợ làm gì cũng ưng, cũng chịu, cũng vừa mắt cả. Được cái là, chồng đi xa thì nhớ, về muộn vẫn trông. Có đôi lúc quá lời, cũng chỉ là mắng yêu thôi. Ai bảo cứ đi nhậu là về trễ, biết còn đi với con nào.
Vợ không ép ta phải sống khác mình, cũng không tước bỏ những thói quen của ta, chỉ cần ta chịu nghe lời. Thực ra, không tranh cãi, chỉ là để cho nhà cửa được vui vẻ. Ở chỗ làm, cãi nhiều, cãi mãi rồi, không muốn khổ thêm nữa. Đừng tìm cách đánh bại nhau, đừng đòi nhau phải chừa bỏ điều gì cả. Có lỗi thì nhận, nhưng cũng đừng để nhiều lỗi quá, lại mất nhiều ngày hơn để xin xóa, xin tha. Vợ nói gì, phải nghe cho hết, chớ cãi. Chuyện không biết do đâu mà có, cũng cứ nhận, đâu mất gì. Bao nhiêu bẫy vợ đặt ra, cứ cho trúng hết, dính cả, cho vừa lòng đi. Chuyện có tưởng tượng ra thế nào đi nữa, cũng nên cho là phải, vì mình lúc nào chẳng sai. Thương cho kẻ biết lỗi mình mà sửa.
Nhịn chưa hẳn là chịu đựng, nể chưa phải là sợ. Mọi cái vẫn còn là dễ chịu, như thuốc bắc vậy. Uống ít, uống dần mà thấm lâu, hậu lại có vị ngọt. Cũng đôi lúc phải kêu trời, muốn vợ đừng nói thêm gì nữa, nhưng đàn bà, họ chỉ có cái miệng, làm sao được. Thà phải nghe như vậy, còn đỡ khổ hơn là phải thấy cái vẻ mặt dửng dưng, ra vào trong nhà mà như người lạ. Lén lấy bông gòn nhét vào tai là xong.
Nhưng phải nhận là vợ nói cũng có cái đúng. Đã bảo, làm thơ là nghề không có ăn. Vui buồn sướng khổ, kéo cả vợ con vào. Thì thôi, làm thơ chứ có phải nhặt mớ rau đâu mà bảo dễ, ngậm miệng là hơn. Còn chừa lại điều này, không cầu vợ phải hiểu.
...Ngày rỗi, chẳng làm gì, ngồi một mình mà nhớ thuở mới lớn, vào đời với mắt cười, môi hôn. Nét xuân em ngày đó, khiến ta chỉ những muốn người hóa đá, để ta được sống kiếp rong rêu, bên nhau trọn đời. Em ngọt ngào như hương lạ giữa khuya vắng, đời còn lại chỉ là thừa, có chăng cũng chỉ là những thứ rẻ tiền, mau hư cả. Chỉ có em là đáng kể.
Ờ, thơ ngày đó đã là cái muốn rời đi mà chẳng thể, dứt ra được thật khó. Thơ cho em, chỉ cho một người. Chẳng trà thuốc gì, thức chay một đêm nhớ, sáng cũng có được một bài, như là ... thơ. Nhớ người, chẳng gần chẳng xa, ở đâu đó, một cõi không định.
Thơ là cái có thể, dù phần nhiều chỉ là những giấc mơ, và vì thế, khó gặp được chuyện thật ngoài đời. Tình yêu vốn chỉ biết có mình, nhưng cũng cần phải có hai người. Giấc mơ lại thường gặp với kẻ khác. Sáng dậy vợ hỏi mơ gì, thì bảo ai đó giống em, nhưng ... tụi anh cũng chưa kịp làm gì đâu. Chỉ có trong mơ, ta mới được như muốn. Em đẹp em xinh, nhưng chẳng phải em mình.
Thật không may cho em, lấy phải anh; nên phần thiệt thòi bây giờ, để anh chịu. Chẳng muốn vay mãi đâu, mượn thì phải có ngày trả. Giờ hai đứa con chúng đã lớn cả rồi, công của em đấy.
Em vì tôi mà mất cả một thời xuân sắc, năm ngoái tóc còn có sợi bạc, nay Canh Dần đã ra màu sữa cả rồi. Tóc sữa tung bay Bến Bạch Đằng. Đừng tưởng em già mà chê, mấy cha tập dưỡng sinh còn theo đó. Thấy ghét, người hôi rình.
Ậy, đi tập dưỡng sinh thật, ra mồ hôi thì phải hôi. Ruộng lạ mạ quen, hôi mình nhưng dễ chịu với người khác à.
...Ngày Tết, nhìn món gì cũng thấy ngán. Vợ tôi nói:
- - Hay là anh ăn cháo le le, mát, nhẹ bụng. Đái đường, hay tiền liệt tuyến lại khổ, nha anh.
Tôi tin là mình không nghe lầm. Chắc em lại có chuyện gì phải cần đến tôi rồi. Thôi ạ, cái ngon mỗi người khác nhau. Bày ra làm rồi kêu mệt, không dám muốn đâu. Cho nhiêu hưởng nhiêu, lèo nhèo mệt lắm, khi không đã mang tiếng, lại mang ơn, nuốt không trôi đâu. Là nghĩ trong bụng thế, chứ ngoài miệng, tôi vẫn nói:
- - Em thích thì làm. Anh cũng đã già cũ hẳn đâu, cũng còn có ích lợi mà.
- Vậy để em làm, ăn rồi em kể nghe chuyện này, nhưng ... đừng có mà ghen nha.
Tưởng chỉ có mình tôi là biết mơ đẹp. Hóa ra em đã giữ kín cả một ngày, và cũng biết lựa lúc vui để kể cho chồng nghe. Tết mà lại. Chuyện gì em cứ nói, có gì phải dấu. Nàng thì thầm, như còn không tin vào món quà tặng đầu năm:
- - Tối qua, em mơ thấy Obama, ổng hẹn sẽ dùng cơm nhà mình.
- Sao bảo ổng đang tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
...
- Mà này, đừng nói là ổng còn muốn ngủ lại ...nhá.
Mồng 6 Tết

18.2.10

Phong thủy cho blog

Phong thủy cho blog
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Cái gọi là thơ, thường chậm đổi được thành gạo, nên chẳng có dư đồng nào cho vợ con. Cái khổ vì đã trót yêu thơ, chưa hẳn là cái khổ mãi, vì có thể dùng mẹo để chữa được.
Nên xem lại bàn viết, đã day mặt về hướng tốt chưa. Hướng này phải trùng với hướng bếp trong nhà, lấy cái tốt nhì là thiên y thôi, chớ lấy sanh khí, vì quá tốt sẽ lại chẳng hay. Phải chọn một trong hai: hoặc muốn tốt cả thì thơ in ra chỉ một lần rồi chấm hết; hoặc tốt vừa thôi, thì entry ra đều, muốn gom lại in lúc nào cũng được.
Chẳng cứ làm nhà mới phải coi tuổi, xem ngày, viết blog cũng nên chọn giờ đẹp, tiện nhất là vào lúc vợ đã ngủ rồi, nhưng cũng đừng quá đà, lại bị lầm là thư cho đứa nào. Nếu khuya có được khều, thì sẽ có ngay hứng về những gì còn dang dở, chưa xong. Gần sáng mà nghe chèo, cũng là để thốt lời ngán ngẩm, thương cho kiếp người... Tốt thôi, không có gì phải lo lắng, nỗi cảm sẽ nhiều bề; lấy hứng tại nhà, chẳng cần phải đi xa, hay phải mượn rượu bia mới có được. Lòng biết ơn ... vợ lúc đó sẽ đầy hơn.

Những điều không tốt đẹp phải gặp trong đời, ai cũng có cả. Nó chỉ ở lại với ta lâu hay mau mà thôi. Không ai chọn cách buồn để sống cả. Người ta chỉ muốn vui nhiều, vui lâu, không được hai cũng phải được một. Hãy làm thơ vui. Nên chọn những vuông vải nhiều màu, để trước mặt mỗi khi cần. Buồn buồn thì dùng sắc xám, vui vui thì sắc hồng, tất nhiên tím phải là màu hy vọng... Điều này không quan trọng, vì đôi khi, ta có thể không nhận ra các sắc màu, cũng là chuyện bình thường, thơ mà, có thật khi nào đâu.

Vẫn ngờ xuân chưa đến, vì lòng người còn đợi, đợi cái không thể, nên câu chuyện vẫn là của ngày hôm qua. Đời chưa có được ngày đẹp nhất, tưởng đã đến gần giấc mơ một lần rồi, nhưng thực là chưa có. Cũng chưa đến mức phải vui lắm hay buồn lắm, có chăng chỉ là câu chữ thôi. Nên cứ trăn trở mãi. Vẫn là đợi, là chờ, không thế thì lại chán, lại treo blog mất mấy ngày.

Thì hãy sửa lại bàn viết, lấy theo thước Lỗ Ban, ba chiều dài, rộng, cao đều phải lọt vào hào tốt. Nhớ hào đăng khoa, chủ về văn chương thi cử, nên chọn lấy. Dù viết không phải là để thi, cũng cứ nên lựa hào cập đệ.
Chưa xong, trên bàn còn phải để một quả cầu pha lê, nó chủ về sự sáng suốt, cũng là điều cần lắm. Nhắc để nhớ ngày mai vợ phải có tiền đi chợ. Quả cầu còn có cái hay là đuổi được ruồi, chúng nhìn vào thấy là bỏ đi ngay.

Nhà thơ không phải là người thường, chẳng những biết rành việc cao xa, họ còn cố nhìn sâu thêm, xem bên dưới những điều chưa thể hiểu, có cái gì khác. Nếu tin vào điều người xưa tin, ánh sáng sẽ rọi vào chỗ mờ tối. Rồi sẽ khác nhiều, nếu ta chịu cải cái chỗ ngồi, chỉ có điều, sau khi làm vậy, việc cát hung, nửa năm sau mới ứng.

17.2.10

Món ngon ngày Tết

Món ngon ngày Tết
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Tết chỉ có mấy ngày, nhưng bếp núc lại là chuyện cả năm. Vợ chịu khổ đã nhiều, nên mấy ngày này, tôi xin được giữ chân rửa chén bát.
Từ hồi nào, tôi đã là miếng thịt ba rọi, vợ bỏ mình lên thớt, băm chặt thế nào cũng chịu. Để vợ sai bảo thì cũng mất gì, có lỗi phải, sai trật còn mong được tha bổng.
Tết thì được nghỉ, được chơi, được ăn món ngon, hơn ngày thường. Thế mà vợ tôi vẫn chưa ngơi tay, nên cũng không dám ngồi một chỗ mà nhìn vợ làm bếp.
Năm mới thì phải mới lên, có ngọt nhạt thế nào cũng phải vui vẻ, cũng phải khen là vợ khéo. Chưa nghe thủng hỏi gì, cứ trả lời ngay cho chắc ăn: món em nấu đã giòn, ngọt, lại thơm.
Nhà tôi năm nay gặp khó như mọi người, không ăn Tết to, nhưng cũng đến tận nhà vườn mua bông trái về dâng cúng ông bà. Trước Tết đi thăm mộ người thân hai họ, mùng Hai lên lễ chùa cầu may. Con cháu đều có tiền mừng tuổi.
- Phụ em làm món tủ của anh nha.
Được cái, vợ vẫn chịu tôi món rau muống. Cả mấy chục năm luộc, xào, bảo sao không giỏi. Tôi còn rành món thịt luộc: rửa sạch, ngâm lâu, chín kỹ thì gắp ra, để ráo rồi thái mỏng, trộn với nhiều thứ khác, loại phải bỏ vỏ giã dập như là: mè, đậu phộng...Thái nhỏ đập dập, rồi đập dập thái nhỏ, trộn đều, bóp đều...
Tết là những ngày nhiều mỡ thịt, để khỏi ngán phải dùng thêm rau dưa. Kiệu dùng với bánh tét thì hạp. Tôm khô thì nhất rồi. Tuyệt không ăn đồ Trung Quốc. Đi chợ mua món gì cũng phải hỏi, sợ lại nhầm với hàng Tàu.
Vợ tôi liếc nhẹ:
- Cái gì cũng vậy, vừa chín tới thì gắp ra, để nhừ quá lại hỏng. Rồi vuốt một câu:
- Mà thật, tính em rộng rãi, nấu gì cũng dư, ăn không hết...
Lại nói xéo chồng rồi, tôi bâng quơ nhả lại:
- Có loại ớt ngọt, quả to nhưng không cay.
Vợ tôi làm như không nghe, làm lành:
- Anh có ăn gỏi thì em làm. Món này đủ vị chua ngọt, không ngán, dùng để đãi khách cũng tốt.
Phải rồi, chua ngọt thì trong năm, người nhà lãnh đủ hết rồi. Khỏi đãi đi. Vợ tôi đon đả cắt cho tôi khúc giò, không quên nhắc:
- Mà khéo không thì vui miệng quá, ra giêng lại mập ra. Một miếng chả ba miếng giò. Thừa cân chẳng tốt đâu, ông ạ.
- Ngon lành hay không, tối đi ngủ biết liền à.

- Tôi biết có một món ngán nhất, chẳng cứ gì ngày Tết, nhưng chẳng dám nói đâu.
À, mà phải nhớ: Đừng chín quá, lại mất ngon!

15.2.10

Chuyện vay trả

Chuyện vay trả
                                                             Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)


   Khi về già, người ta sẽ yếu dần và đau ốm luôn. Ta không còn nhiều ham muốn nữa. Sẽ không ghét không yêu, và sống chỉ là để hưởng lấy những điều tốt đẹp, những cái mà trước đó, vì phải lo sống, ta chưa kịp được biết, được hưởng, hoặc đã bỏ quên mất chúng đi.

   Ờ, già rồi, có miệng móm răng rụng thì cũng không lấy đó làm buồn, vì ai mà chẳng tới lúc đó. Đời người ở cõi trần ngắn quá, có nhiều thời gian đâu để mà suy tính thiệt hơn.

   Già thường hay mệt mỏi, chán ăn. Bệnh thường đến từ bên ngoài, là do ăn uống không sạch. Đau lưng, nhức xương khớp là bệnh già. Còn đau ốm mà không biết mắc bệnh gì, uống thuốc chạy thầy qua nhiều nơi cũng không khỏi, là bệnh do ta tạo nghiệp xấu mà nên.

   Sách Phật có nói: kiếp này, cuộc sống có thế nào là do quả của kiếp trước. Kiếp này sống thế nào sẽ là nhân của kiếp sau này.

   Khi còn sống, ta quá bận rộn vì sinh kế. Ta còn phải đi làm, đến già cũng chưa hết được nợ. Lo cho vợ con, cho cháu, cho những người còn ở lại... Cái nợ sống còn. Chưa về hưu đã giữ một chân coi xe ở Phường, chỉ trông vào chút lời số cổ phần còn nằm ở chỗ làm cũ. Hay là bán đồ khô trước cửa nhà, kiếm được cũng khá hơn: mực khô, tôm nõn, nem chua, mối quen là những bạn nhậu cũ...

   Sống chết có số rồi, không cãi được. Tới ngày tới tháng, khi bề trên gọi, ta không thể xin hoãn, đành phải đi thôi, có vì bệnh hay vì già thì cũng vậy. Thôi, mang đi được cái gì đâu, đành bỏ lại hết cả.

   Người ta thường muốn biết mình thọ được bao lâu. Cũng là quá lo, vì nếu làm được nhiều điều thiện, thì vẫn cải được số, tuổi sẽ được thêm.

   Ông bà vẫn dạy ta khi còn nhỏ: ai làm nhiều điều tốt thì khi chết sẽ được về cõi trời. Trước đó, Diêm Vương sẽ xét công tội, lâu mau để được đi đầu thai là do thiện ác đã làm ở cõi trần. Mọi việc ta làm khi còn sống, Ổng đều biết rõ. Thưởng người có công làm việc thiện và phạt kẻ làm điều ác; tùy tội nặng nhẹ mà bị đày về địa ngục hoặc các cõi giới khác, trong một năm hay nhiều năm.

   Ung thư là bệnh cho đến lúc chết, không thể chữa khỏi, có sám hối tự sửa mình cũng chỉ bớt đi, chứ không xóa được hết tội. Những kẻ chửi cha mắng mẹ, nợ tiền người ta mà không trả, hoặc những người ngồi chỗ cao mà làm sai không sửa..., thường mắc bệnh này.

   Niềm tin vào số phận, thấm chậm vào ta qua nhiều ngày, ta còn chưa thể hiểu được ngay, vì nó ngoài tầm nhìn thấy của ta. Rồi điều chưa biết sẽ là điều ta phải học. Những người yểu số, sớm được gọi về cõi âm, chỉ là để kịp đi học lớp dài hạn, khóa mới mở chưa từng có trên trần.

   Ngày Tết, chúc người trẻ vui, người già khỏe, người lớn tuổi được sống lâu. Gặp bạn blog chỉ chúc vui, không dám nói chuyện khác. Khổ, có buồn mới ra được thơ, chúc buồn để có được thơ hay là câu chúc trong năm cũ rồi, cứ vui như Tết thì lại chẳng có cái mùa thu nào đến với ...

   Còn nợ bạn hiền hai số báo văn, tối phải đọc ngay, lỡ có hỏi lại không biết thơ Tết của bạn hay chỗ nào. Nó than năm rồi bệnh quá. Phải dời nhà luôn, vì vừa bán mấy miếng đất, giờ chỉ còn có cái phòng mấy chục thước vuông, bạn bè đến không biết có chỗ nào mà tiếp. May mà được đền bù hơn chục tỷ... Rất may là ở nơi chật hẹp thế, mà bàn thờ ông bà cha mẹ vẫn luôn có hoa tươi. Bạn tôi hay vì biết tin, một lòng thờ cúng người đã khuất. 

   Bạn ái ngại nhắc tôi, cứ thử sống một ngày bớt yêu xem có chết chưa. Có nỗi buồn nào hơn là nỗi buồn rỗng túi?

   Này, phải biết liệu sức mình, mệt thì nghỉ, đừng cố, làm thơ hay làm gì cũng vậy. Đau nhức chỗ nào thì day xoa chỗ đó, tới chừng bớt thì thôi, heng.

12.2.10

Chuyện trước Tết

Chuyện trước Tết
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Chưa từng có ai nói với anh như vậy, cả ngay người vợ yêu ở nhà. - Anh có dáng đẹp. Em thấy sự tin cậy ở anh, như được dựa dẫm và bé nhỏ hẳn lại. ... - Anh có thể đến chỗ em không? Ngay bây giờ!

Vâng, anh chỉ còn biết gật đầu.

Có những trận bão trái mùa, ập đến mà không báo trước, và ta dễ dàng bị nhấn chìm vào cái ngọt ngào đầy tràn và bất chợt.

Họ chỉ mới biết nhau khi phải quá cảnh ở một sân bay. Tết này em về thăm nhà, dù biết gặp năm tuổi thì nên tránh phải đi xa. Nghĩ dại, có sao thì cũng được chết ở quê hương. Một chuyến bay dài cả chục tiếng đồng hồ, có ai dám chắc là sẽ trọn vẹn cho tới phút chót.

Mẹ nói làm thân con gái mà cầm tinh con hổ là cao số. Nếu có chồng sớm thì phải qua mấy lần đò. Nhìn quanh đám bạn cùng tuổi em, đứa muộn chồng, kẻ chậm con, nghĩ mà thấy thật đúng, cái thiếu của mình là cái dư của người. Ông trời không cho ai hết cái gì, cũng không lấy đi hết của ai tất cả. Mẹ nói em đẻ vào năm Dần, nhưng được cả ngày tháng và giờ sinh, cũng phải chọn cho được người hợp tuổi mới đỡ khổ. Tuy vậy, chồng con cũng không được cả, vì cái tuổi nó thế. Lấy chồng muộn thì tốt hơn, và sống một mình là tốt nhất.

Còn anh vẫn nghĩ số mình năm nào cũng như nhau, vì làm công ăn lương thì tiền cũng chỉ có bấy nhiêu đó.

Nàng nói:
- Những khối cơ rắn chắc, ... và ánh sáng.

Em không định lột trần anh đó chứ. Ơn trời, những năm còn đi học, anh có chơi thể dục dụng cụ, như một cách làm đẹp, và anh đã từng muốn và tưởng mình cũng đã là một "man" đích thực...

- Có thể chưa phải là kỹ thuật hay chủ đề, mà là cảm hứng. Nó đến duy nhất từ một đối tượng, và chỉ trong một lúc đó thôi. Em thấy được điều này ở anh, và em sợ mất khoảnh khắc này. Anh ngồi xuống đây, cảm ơn anh. Em sẽ trả cho anh số tiền gấp đôi.

Trả gấp đôi? Thì em cứ khám tôi đi, như cách các bà vẫn làm khi xem món hàng ấy. Không biết em sẽ vặt lông tôi thế nào, và ai sẽ là người cởi đồ trước.

- Anh đợi em một chút nhé. Nàng vào phòng tắm và trở ra với bộ đồ mỏng. Đúng là áo hai dây thì bao giờ cũng gợi nhiều ý hơn. Nhưng nàng không nhắc anh đi dọn mình, mà đưa anh sang một nơi khác rộng hơn. Thì ra đây là phòng vẽ của em, và anh được thuê đứng làm người mẫu.

- Anh có nét thuần Việt, anh nghe nàng khen và kịp dấu đi đôi tay thô ráp, chúng không dành cho những việc làm đòi hỏi sự khéo léo.

- Em là ai, và khi em chết sẽ về đâu, câu hỏi này luôn trở lại với em khi Tết đến. Em về vì nhớ nhà, nhưng chẳng có ai đợi em cả.

Thời khai mở, cõi khai tâm, không, em sẽ đặt tên tranh là khoảnh khắc phù du. Anh nhìn bức tranh chưa xong và lờ mờ đoán ra hình một con hổ đầu người, uốn mình kiểu như người ta vẽ thư pháp. Nàng tiếp:

- Ánh sáng là thứ đắp nổi, và em tạo cho nó cái bề lõm ngược lại. Hiệu quả thị giác như nhau, nhưng cái thách thức là em đã làm khác. Đó là cái cốt đàn ông trong thân phận người đàn bà tuổi cọp.

Anh có một lúc để ngắm nàng, và cố để không thốt lên: chính em mới đẹp. Cái ngấp nghé của sự ngập ngừng vừa phải, làm ngỡ ngàng những ai còn hiểu được thế nào là bức tranh đẹp. Anh tự hỏi mình có quá già để còn biết được điều này không. Mỏi quá...

Nàng đưa cho anh những tờ tiền xanh như đã hứa. Ở ta không có thói quen vậy, lao động ở xứ người luôn được trả sòng phẳng.

Nàng nhắc anh: mùng một Tết cũng là ngày valentine anh à.
Anh không nghĩ đó sẽ là ngày nàng xong được bức vẽ, hoặc ít ra thì nó cũng đánh dấu cho một lần vẽ dở. Dù sao, nàng đã có một tấm toile để thử màu, đôi khi lại thành một tác phẩm, mặc ai cho rằng nó chỉ là bản nháp.

Anh mơ màng, như nói với mình: ở quê anh, mùng một phải dùng chay. Hay là, mình ngả mặn trước Tết đi, cưng à.
Canh dần 2010.
Related Posts with Thumbnails