12.2.10

Chuyện trước Tết

Chuyện trước Tết
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Chưa từng có ai nói với anh như vậy, cả ngay người vợ yêu ở nhà. - Anh có dáng đẹp. Em thấy sự tin cậy ở anh, như được dựa dẫm và bé nhỏ hẳn lại. ... - Anh có thể đến chỗ em không? Ngay bây giờ!

Vâng, anh chỉ còn biết gật đầu.

Có những trận bão trái mùa, ập đến mà không báo trước, và ta dễ dàng bị nhấn chìm vào cái ngọt ngào đầy tràn và bất chợt.

Họ chỉ mới biết nhau khi phải quá cảnh ở một sân bay. Tết này em về thăm nhà, dù biết gặp năm tuổi thì nên tránh phải đi xa. Nghĩ dại, có sao thì cũng được chết ở quê hương. Một chuyến bay dài cả chục tiếng đồng hồ, có ai dám chắc là sẽ trọn vẹn cho tới phút chót.

Mẹ nói làm thân con gái mà cầm tinh con hổ là cao số. Nếu có chồng sớm thì phải qua mấy lần đò. Nhìn quanh đám bạn cùng tuổi em, đứa muộn chồng, kẻ chậm con, nghĩ mà thấy thật đúng, cái thiếu của mình là cái dư của người. Ông trời không cho ai hết cái gì, cũng không lấy đi hết của ai tất cả. Mẹ nói em đẻ vào năm Dần, nhưng được cả ngày tháng và giờ sinh, cũng phải chọn cho được người hợp tuổi mới đỡ khổ. Tuy vậy, chồng con cũng không được cả, vì cái tuổi nó thế. Lấy chồng muộn thì tốt hơn, và sống một mình là tốt nhất.

Còn anh vẫn nghĩ số mình năm nào cũng như nhau, vì làm công ăn lương thì tiền cũng chỉ có bấy nhiêu đó.

Nàng nói:
- Những khối cơ rắn chắc, ... và ánh sáng.

Em không định lột trần anh đó chứ. Ơn trời, những năm còn đi học, anh có chơi thể dục dụng cụ, như một cách làm đẹp, và anh đã từng muốn và tưởng mình cũng đã là một "man" đích thực...

- Có thể chưa phải là kỹ thuật hay chủ đề, mà là cảm hứng. Nó đến duy nhất từ một đối tượng, và chỉ trong một lúc đó thôi. Em thấy được điều này ở anh, và em sợ mất khoảnh khắc này. Anh ngồi xuống đây, cảm ơn anh. Em sẽ trả cho anh số tiền gấp đôi.

Trả gấp đôi? Thì em cứ khám tôi đi, như cách các bà vẫn làm khi xem món hàng ấy. Không biết em sẽ vặt lông tôi thế nào, và ai sẽ là người cởi đồ trước.

- Anh đợi em một chút nhé. Nàng vào phòng tắm và trở ra với bộ đồ mỏng. Đúng là áo hai dây thì bao giờ cũng gợi nhiều ý hơn. Nhưng nàng không nhắc anh đi dọn mình, mà đưa anh sang một nơi khác rộng hơn. Thì ra đây là phòng vẽ của em, và anh được thuê đứng làm người mẫu.

- Anh có nét thuần Việt, anh nghe nàng khen và kịp dấu đi đôi tay thô ráp, chúng không dành cho những việc làm đòi hỏi sự khéo léo.

- Em là ai, và khi em chết sẽ về đâu, câu hỏi này luôn trở lại với em khi Tết đến. Em về vì nhớ nhà, nhưng chẳng có ai đợi em cả.

Thời khai mở, cõi khai tâm, không, em sẽ đặt tên tranh là khoảnh khắc phù du. Anh nhìn bức tranh chưa xong và lờ mờ đoán ra hình một con hổ đầu người, uốn mình kiểu như người ta vẽ thư pháp. Nàng tiếp:

- Ánh sáng là thứ đắp nổi, và em tạo cho nó cái bề lõm ngược lại. Hiệu quả thị giác như nhau, nhưng cái thách thức là em đã làm khác. Đó là cái cốt đàn ông trong thân phận người đàn bà tuổi cọp.

Anh có một lúc để ngắm nàng, và cố để không thốt lên: chính em mới đẹp. Cái ngấp nghé của sự ngập ngừng vừa phải, làm ngỡ ngàng những ai còn hiểu được thế nào là bức tranh đẹp. Anh tự hỏi mình có quá già để còn biết được điều này không. Mỏi quá...

Nàng đưa cho anh những tờ tiền xanh như đã hứa. Ở ta không có thói quen vậy, lao động ở xứ người luôn được trả sòng phẳng.

Nàng nhắc anh: mùng một Tết cũng là ngày valentine anh à.
Anh không nghĩ đó sẽ là ngày nàng xong được bức vẽ, hoặc ít ra thì nó cũng đánh dấu cho một lần vẽ dở. Dù sao, nàng đã có một tấm toile để thử màu, đôi khi lại thành một tác phẩm, mặc ai cho rằng nó chỉ là bản nháp.

Anh mơ màng, như nói với mình: ở quê anh, mùng một phải dùng chay. Hay là, mình ngả mặn trước Tết đi, cưng à.
Canh dần 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails