24.5.10

Bức tranh xé dán

Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)

Có những lúc thức dậy vào buổi sáng, anh không còn nhớ được đêm qua mình đã làm tới đâu. Vào ngày hôm sau, cái gì đó như mới mẻ lại kéo anh vào với công việc cũ. Không có những cái để buộc phải làm, cũng không có hạn kỳ cho việc nào cả. Anh chỉ cảm thấy không khí sẽ có của bức tranh, và bị thôi thúc phải làm cho xong. Bằng cách nào đó, có một cái gì không chắc chắn, rất mong manh và khó nhận ra, luôn bám theo anh. Đó là niềm vui còn lại trong ngày có từ việc xé dán, chừng như chỉ sớm mai thôi, sẽ không còn nữa.
Anh ra vườn mà không mang theo gì cả, xem xét một lần nữa và ghi nhớ những màu sắc mình muốn có. Vẻ đẹp của hoa dại xung quanh, không khó để nhận thấy, chỉ cần một chút sửa đổi, chúng sẽ hiện ra rực rỡ. Vùng nước ngập, những màu sắc kỳ lạ từ trong nước... Dưới ánh mặt trời buổi chiều muộn, khung cảnh thật đẹp. Đôi lúc màu vẽ không chịu sự kiểm soát của anh, giấy màu cũng không đạt đến mức anh cần, nhưng nó đã gần hơn với vật muốn tả. Anh trở vào nhà là ngồi xuống dán ngay, như sợ cái màu ấp ủ đó sẽ lạc mất.
Anh mừng vì phần lớn tranh đã làm đều bán được, nhưng chưa có một bức nào để dành tặng cô. Bây giờ anh vẽ như là để trả nợ. Bức tranh có cô trong đó. Anh thích sắc đỏ ấm áp truyền qua kẽ lá, rơi nhẹ lên mái tóc thiếu phụ. Nó khá lạ lùng và dường như là cảm hứng để lại bắt đầu một bức tranh khác.
Anh xé dán hàng ngày, ngày nào cũng là một ngày mới với anh. Có lẽ công việc này là một thứ thuốc trị bệnh tốt. Anh đã bớt đau ngực, và như vậy cũng là tốt lắm rồi, điều này chỉ một mình anh biết. Ngày bệnh mới phát ra, anh đã như kiệt sức. Bệnh tật khó nói được là đã vượt qua, vì nó có thể trở lại cả vào lúc ta tưởng mình khỏe nhất. Chỉ là sớm hay muộn mà thôi, làm sao chắc được ngày nào đó mình sẽ phải ra đi.
Cô thấy anh có vẻ không khỏe, nhưng không biết căn bệnh của anh. Để cho mình không cảm thấy quá có lỗi với cô, anh nói dối bệnh của mình không đến nỗi nào, ở mức mà cô có thể chấp nhận. Anh biết anh mà. Đừng quá lo cho anh, ai cũng vậy, có tuổi rồi thì phải hư nhiều thứ. Anh đùa: có nhiều cái phải thay, phải cắt bỏ, nhưng làm một lần không được, phải từ từ.
Anh vui lòng với ý nghĩ đời mình đã đủ mà không còn cần gì thêm nữa. Không còn những điều to tát phải theo đuổi. Danh lợi, làm gì nữa vào lúc này, nếu cuộc sống chỉ còn được tính bằng ngày. Anh nghĩ thế nhưng đã không thể nói cho cô hay.
- Em à, không cần phải đi đâu xa để tìm thấy cái đẹp. Chúng có ở khắp nơi, cho không nhưng là vô giá. Điều bình thường dễ bị bỏ qua, và ta vẫn như không biết điều đó. Cái đã có trở thành quen thuộc, ta chưa cảm thấy sự có mặt của nó, cho đến khi nó không còn ở với mình nữa. Anh muốn nhắc đến chuyện cũ của hai người, nhiều năm qua rồi, tới nay vẫn còn là bạn của nhau.
Cô tới đây vào buổi sáng hôm qua, đã thấy bức tranh treo ở đó. Một khung cảnh lạnh, những khoảng tối dễ bắt sáng. Gương mặt thiếu phụ bật ra trên nền tranh sẫm màu. Anh ngập ngừng một chút khi thấy cô đến sớm hơn như đã hẹn. Mắt cô mở rộng, nhìn thẳng vào anh, cố dấu đi vẻ lo lắng:
- Anh ốm đi nhiều quá.
Có lẽ đoán được căn bệnh của anh, nên cô đã xem bức tranh với cái nhìn khác, không còn thấy chúng có nét buồn nữa.
- - Vì anh đang có một gia đình yên ổn, nên từ chối tình yêu của em. Em không muốn là người thứ ba, nhưng khi anh buồn, em sẽ là bạn để anh chia sẻ. Em không ngại thì thôi, sao anh cứ phải giữ gìn như thế.
- ...
- - Em không sợ là rồi anh cũng sẽ yêu em, dù khi đó, cả anh lẫn em đều sẽ khổ. Hãy để một mình em phải khổ thôi. Anh chịu không. Thế nào thì em cũng không thay đổi. Vậy anh nhé.
Anh trở nên ít nói hơn. Hai người cứ vậy ngồi trong im lặng. Họ có nhiều giờ bên nhau như thế.
- - Bức tranh tả thực có tình cảm, ép cho nó phải tải ý sẽ làm hỏng bức tranh, nhưng đó lại chính là cái khéo mà ít người làm được và đạt tới, nhất là với tranh xé dán.
Cô hiểu chỉ có tình yêu mới khiến anh đủ sức để làm xong bức vẽ. Đó là tất cả những gì mà anh có thể dành cho cô. Ngày hôm nay anh lại muốn làm một cái gì đó, nhưng thực sự còn quá ít thời giờ.
- - Điều ta muốn luôn là cái tốt nhất, muốn cho người thương của mình cũng vậy.
Anh tưởng bức xé dán đó là điều sau cùng anh còn làm được và giữ lại cho cô. Vậy mà đã mười năm hơn, sau cái ngày anh bị bệnh tưởng chừng không qua khỏi.
Anh luôn nghĩ về cô. Cái chết có ý nghĩa khi người ta đã có cái gì để mất. Anh sẽ không còn lại đây với đời, nhưng ngày nào, không ai biết trước được. Còn sống - người ta vẫn tin là ngày mai sẽ được nhiều hơn hôm nay. Anh thích nghe cô nói: "Em sẽ chăm sóc anh. Anh sẽ khỏe lại". Anh đã sống nhiều ngày như thế trong yêu thương.
Cái giá cuộc sống sẽ đổi khác khi chúng được tính với khoảng đời còn lại ngắn hơn nhiều.
Vĩnh Long, tháng 4/2010

23.5.10

Ném tất cả vào quên


 ... những kẻ bị quấy rầy
 và không có chỗ nào để đi,
 quen đòi cái vượt quá điều cần có.
 
... những điều muốn chẳng đủ
điều chưa có cứ là điều ước
không còn chỗ cho nỗi buồn
chẳng có thời gian cho tất cả.
 
... một mình nơi hoang dã
đi qua nỗi đam mê mỗi ngày
đến những nơi kỳ lạ
hoa đẹp ở khắp nơi
còn ước nguyện nào nữa.
 
... trời vẫn đẹp mà không có gió
niềm vui ít ỏi dần mất đi
chẳng thể chờ để thử tất cả
ném tất cả vào quên.

13.5.10

Người phụ nữ trong Người đàn bà


Người phụ nữ trong Người đàn bà
(Đọc thơ chị Ngọc Tuyết)
Cái lẽ thường hợp tan, như còn và mất, là đến rồi đi, với ai mà không có nuối tiếc.Tiếc cái đã từng có mà chẳng ở lại mãi với mình. Những giọt buồn chia xa, đọng mặn trên môi mắt, như những câu thơ còn viết chưa xong, dở dang vơi đầy cùng ngày tháng:
Người đàn bà ôm hợp tan
trên môi đượm mùi muối mặn
câu ca dao không đầy đặn
ướt mềm thảm cỏ thời gian
Hợp tan mấy lần, chỉ một đã đủ là giông bão. Người đàn bà nhỏ nhắn, một mình với gánh nặng đầy ước vọng, trĩu vai những bó buồn, đi trong cơn giông mà chẳng haytrời đang bão:
Người đàn bà giữa cơn giông
gánh trên vai đầy ước vọng
với từng bó buồn cô đọng
lầm lụi bước giữa trời không
Chằng vá lại, cho lành trái tim đau, cho đầy đặn thuở ban đầu. Mượn lời thơ nói dùm nỗi nhớ, tập viết lại những vần đầu, từng chữ ngập ngừng như những ngày vừa biết yêu:
Người đàn bà thả vần thơ
vá tình yêu bằng nỗi nhớ
định hình trong ngàn con chữ
chập chững với tình ngu ngơ
Nỗi buồn còn chưa rời xa, nén lại cơn khát lòng vừa chợt đến, để quên đi một mùa yêu vẫn cứ đang đến ngoài kia:
Người đàn bà đánh rơi mình
sụt sùi trên đầu ngọn sóng
vô tình mùa yêu lồng lộng
vượt sóng ùa – cơn khát xanh.
Cái buồn mãi chỉ mình ta hiểu. Ai vô tình. Người cũng có hay đâu, vì không thế thì mình đã khác, đã là của nhau.
Em – những khát vọng chẳng kể hợp tan.

12.5.10

Lâm Chiêu Đồng - Tìm kiếm chất liệu thể hiện

Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam) 
1. Họa sĩ tả chân
Chừng như hội họa tả thực từ chối việc tạo ra những hình thể không có thật, và họa sĩ không có chỗ cho tưởng tượng. Điều này không có nghĩa là tranh hiện thực thiếu đi cái nhìn chủ quan và sự lãng mạn, như sáng tác của các tác giả theo trường phái siêu thực. Tranh hiện thực cũng lại khác với tranh ấn tượng - thường được vẽ ngoài trời, trong khung cảnh bên ngoài, vào đúng lúc nó đang có mặt như thế.
Họa sĩ hiện thực mô tả cuộc sống như nó có. Cố gắng để làm giống như thật là nỗ lực một đời. Đối tượng, điều vẫn thường nhìn thấy, không dễ sao chép và bắt chước, được bày ra dưới ánh sáng - ta sẽ không tìm thấy ở đó những hình bóng được tạo ra từ trí tưởng tượng. Thế giới thường thấy được mô tả rõ ràng và chính xác, trung thực như cuộc sống đương đại, trong đó có mặt của cảnh và người. Thiên nhiên có sẵn và họa sĩ làm công việc chép lại. Đến gần với hiện thực, đó là điều mà hội họa hiện thực vươn tới.
Đối tượng được nhìn thấy qua tranh hiện thực là cái thật như vốn có, cấu trúc thật của chúng không thừa nhận sự làm xấu đi hay đẹp hơn chính chúng. Cái đẹp lúc này phụ thuộc vào sự khéo tay. Bức tranh thật không có quyền từ chối sự thật. Cái đẹp không có chuẩn mực, nhưng tranh hiện thực có chuẩn của nó, nó không từ chối những nguyên tắc truyền thống - bản thân miêu tả đã là thứ nghệ thuật có nguyên tắc bất dịch là phải đúng như trong cuộc sống.
Anh thường nói đến việc phải vượt qua cái bóng của chính mình, là cái lối mòn như đã thành một thói quen trong sáng tạo. Điều người họa sỹ tìm kiếm là những chất liệu mới để thể hiện. Lâm Chiêu Đồng đi từ những mảnh vụn xé ra từ các loại tranh báo đến việc tạo một loại giấy dùng riêng với màu tùy thích. Hiệu quả khi bức tranh xé dán hoàn tất là chúng có chất liệu như sơn dầu.  Lựa chọn và dùng màu cần nhiều công sức hơn khi ta dùng bay hoặc cọ, nhưng vì quen tay nên anh cũng đã làm rất nhanh.
Cuộc sống nhiều màu và không màu, tưởng chừng tranh miêu tả thì không có những nỗi nhớ nhung hay đau khổ... Ước vọng của họa sĩ, sự nhạy cảm với những nỗi riêng chung đời người luôn có trong tranh anh, chúng mang đến cho người thưởng ngoạn cùng một cảm nhận gần giống nhau điều mà anh muốn gửi gắm.
Không phải kỹ thuật vẽ tranh định giá tác phẩm. Chính kỹ thuật thực hiện đã là một chất liệu, và nó cũng cùng một đích đến là sự duy mỹ.
Dù sao, cũng thật khó mà xếp tranh của anh vào với dòng hiện thực... Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết anh thực hiện một bức xé dán mà không cần phác thảo.
Họa sỹ Lâm Chiêu Đồng   (ảnh do họa sĩ tặng namkts57)

6.5.10

Thăm các họa sĩ Vĩnh Long

Cầu Mỹ Thuận. Vĩnh Long nhìn từ tòa nhà cao nhất:
Cầu Cần Thơ nhìn từ Vĩnh Long trước ngày thông xe:
Trong vườn tượng của kts - họa sĩ Dương Hồng Gia:
namkts57 tại phòng vẽ của họa sỹ Lâm Chiêu Đồng:
Anh em trên sông nước:
Ảnh do anh Lâm Chiêu Đồng vừa gửi:

Related Posts with Thumbnails