28.9.09

Câu hỏi ngày ấy

Câu hỏi ngày ấy
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Gia đình là điều ta đã chọn, một lần cho một quãng đường dài sau đó. Ta sẽ là người có phước, nếu đi được tới cùng đoạn đường đó. Mọi người sẽ nhìn vào, và cho rằng ta đã gặp may.
Em không nói gì về cuộc sống riêng, và dè dặt hơn khi được hỏi. Điều buồn đeo theo mãi, khiến em co mình lại, và đó như là cách tốt hơn, để lòng khỏi thêm một lần nữa phải đau.
Cố gắng của anh không làm mình hiểu nhau thêm, và đời em lại càng là một câu hỏi. Dường như trước đó, đã không có người bạn nào gần em để cùng chia sẻ. Em chịu lấy nỗi buồn một mình, và sống vậy đã nhiều năm.
Em lớn lên mà không có câu hỏi nào về việc phải tìm một chỗ đứng trong cuộc đời. Mọi cái với em quá dễ dàng. Một đám cưới hạnh phúc, và em nhìn những chuyện buồn của bạn bè như là chuyện của người, chẳng bao giờ lại xảy đến với mình.
Điều buồn đến sớm với hôn nhân, khiến em bắt đầu nghĩ về nghiệp báo. Sao mình phải gánh lấy nó, như một cam chịu, ở ngay những năm đầu của cuộc sống gia đình. Một cách tự nhiên, em đi tập thiền. Nó là thứ thuốc không cần uống. Những giờ thiền giúp em ra khỏi nỗi buồn, chẳng khác gì bỏ được chỗ tối mà sang chỗ sáng. Vui buồn đều quên, không còn quá lo đến việc được hay mất.
Nhưng câu trả lời lại nằm ở những bài học đầu tiên của đạo Phật. Và em hiểu là sau cùng, mọi việc đều như đã được sắp đặt. Căn duyên có từ đời trước, phải chịu báo nhiều kiếp sau. Hạnh phúc như là một điều xa xỉ, là một đặc ân, trời ban cho ai thì người đó được. Ai thấy khổ mà không nản, nhưng phải sao thì mới được coi là sướng hay khổ, hóa ra cho nó thế nào đều là do mình cả. Nếu xem bất hạnh là điều không thể tránh, là việc phải trả cho xong, thì ta phải sẵn lòng mà nhận lấy. Khổ thay, em chỉ biết được điều này qua nhiều năm sau đó, và đã muộn cho ý định quay lại, làm lại.
Ngoại tình thường là do bị bỏ đói. Ly thân là cách đẩy người chồng đến chỗ có nhân tình. Khi mọi việc đi xa hơn, em tưởng đã không thể quay lại nữa. Lúc bắt đầu lạnh nhạt với nhau, em chưa nghĩ ra được điều này, nên đã chậm quá rồi.
Em nhìn sâu vào mắt tôi, và giữ để tôi không nhìn đi chỗ khác. Đôi mắt đẹp và thật buồn, tôi đã yêu ánh nhìn đó biết bao:
- Em nói điều này... ngày hôm qua em còn tin là anh yêu em, nhưng hôm nay thì không.
Nếu anh có một câu trả lời vào lúc đó, thì mình đã là của nhau. Mình đã ở ngay cái lằn ranh của sự cho nhận. Trước đó, thì em nói không, vì đã quá đau khổ với mọi chuyện, không phải với chồng em, mà với anh ấy. Quang đã đến với em, vào lúc mà em không còn có chỗ nào để dựa vào. Nỗi buồn dường như là gấp đôi, vì đúng vào lúc em ra khỏi nhà, thì trong tay không có gì cả. Em đã mang cái giấy chứng minh đi cầm, để có tiền mua đồ ăn cho con. Em vào tòa án nộp án phí, rồi trở ra, đều gặp một cái nhìn thông cảm và chờ đợi, cho đến nhiều ngày sau đó.
Quang đã tìm mọi dịp để đến với em. Em không hề biết những cố gắng đó, chỉ biết là mình đã quá đau lòng để không còn nghĩ đến điều gì cả. Em dường như ít ngủ, người gầy đi nhiều. Em cần một bờ vai để tựa vào. Nhưng một năm sau thì em hiểu tình cảm đó chỉ là một sự ngộ nhận. Em tưởng đó như là tình yêu, nhưng thực thì chỉ là sự cần có nhau, khi mà cả hai đều cùng cảnh, và đến với nhau để lấp đi cái khoảng trống đã chịu nhiều ngày trước đó. Chồng em thì một mực đòi giữ lại hai đứa con, vì biết chắc đó là cách để em không ly dị được.
Chính lúc anh đến với em, là lúc em quay về với gia đình, và cũng chính anh đã cho em quyết định đó. Anh còn giữ được gia đình mình đến bây giờ, là vì anh tin vào sự vay trả. Và em cũng đã coi chuyện chồng mình có con riêng là điều mà đời em phải nhìn thấy.
- Anh có tin là người ta sinh ra đã có số mệnh không ?

22.9.09

Điều có thực

     Những nỗi riêng chung
                                một đời,
                                      chẳng mong
                                                  chia sẻ.
     Những đoạn đường
                              đã qua,
                                   nào biết
                                              tới đâu.
     Chẳng dối lòng
               nhưng thật đã nhiều phen                                     
                    mờ tỏ
                           không nhìn ra
                             nơi đến.           
           ...                                   
     Khi em nhìn vào mắt anh
                    là đã cho anh
                              nhiều hơn
                                  điều không thể.

18.9.09

Đòn nhắc lại

Đòn nhắc lại
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)


    Không ngờ chỉ một ít ngày thôi, mình đã hiểu nhau nhiều như vậy. Anh đã nói dùm em rồi, vậy đâu còn cần gì hơn thế nữa.
    Em không định đi tìm, và không đợi là sẽ còn gặp ai nữa. Có cần nhiều ngày hơn, để nhận ra lòng mình đã khác đi.
    Em đã không có quyền được sống cho mình, đành giữ lại những ngày đẹp ấy, như là mình đã từng ở bên nhau. Giữa đời này, tìm được người hiểu mình như là điều không tưởng. Em thích anh, nếu đặt em trước câu hỏi có hoặc không. Nhưng anh nói yêu em thì lại khó cho em quá. Cảm ơn anh vì tất cả, cũng cùng nghĩa là em đã trả lời.
    Em đã tránh để không làm anh tổn thương, nhưng không được, vì câu hỏi vẫn còn đó.
    Anh trách mình vội vã, không đợi được lâu hơn, nhưng em hiểu anh. Em không muốn gọi tên điều mà em nghĩ, có thể thế này hoặc thế kia, và em đã không làm điều gì khiến anh hiểu lầm. Em cũng không dám đặt lại là vậy thì có sớm quá không, để một lần nữa anh hiểu lầm là hãy đợi. Em biết mình là ai, và không có quyền như vậy, có khác gì là không coi trọng anh.
Em cần người chia sẻ, nhưng khi anh đến lúc này, em lại chưa sẵn lòng để đón nhận. Anh mong cho em sẽ trở lại với gia đình, để mình vẫn là bạn của nhau. Ước gì em còn một trái tim lành lặn, để yêu và được yêu. Anh nói đúng, bản năng làm mẹ biến em thành người khác, khát khao hạnh phúc nhưng hy sinh chính hạnh phúc của mình. Dung nói:
    - Anh giữ lại cho em con trâu này, dưới đó có ngày sinh của em. Và tên em nữa, tiếng Hoa, nên chị ấy không biết đâu.
    ... Chuyện xảy ra cũng lâu rồi. Tôi có một sưu tập nhiều loại lớn nhỏ, gồm trâu gỗ, trâu đá ...từ sau ngày ấy. Em mạng sửu, và lũ trâu sẽ nhắc tôi nhớ em.
    - Anh đi đâu cũng mua trâu về.
    - Trâu phải cày, mang thóc về cho vợ.
    - Không dám đâu. Trâu làm gì có sinh nhật.
    Nói vậy, nhưng năm nào, vợ cũng mua cho tôi một bông hồng trắng, để ngay ngắn trước bàn tôi. Ngày đó là sinh nhật của Dung.
    Kẻ bị giam lỏng không thoát được những đòn nhắc lại.
    Vợ tôi tuổi hợi, và không rõ đã bắt đầu học tiếng quan thoại từ khi nào.

16.9.09

Thư cho anh


Thư cho anh
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
Những ngày ta vẫn tưởng có nhau chẳng là bao, với cái gặp rồi xa của cuộc đời. Có điều gì là còn mãi. Buồn riêng một mình, em sẽ cần những lời an ủi, nhưng không phải từ anh đâu.
Sống bền với một lời hứa trong đời thật khó. Thời gian là bao nhiêu, một tuần hay một tháng, một năm. Không thể biết, vì nó tùy thuộc vào sức chịu đựng của em, thì thôi cứ vậy. Chưa có gì là chung cả, dù khoảng thời gian bên nhau không ngắn, đủ để có một yêu thương, phải không anh?
Anh nói phụ nữ sẽ say mình vì ta hết lòng với họ. Nhưng anh không biết là họ cũng có thể say mà chẳng phải vì điều gì cả, nhất là khi lòng đang trống trải, và tình cảm kia đến vừa kịp lúc.
Hôn nhân là điều đáng quý nhất, nhưng em đã không còn muốn giữ lại. Phải bỏ đi một nỗi buồn, để nhận lấy một điều không vui khác. Không vui vì nó cũng sẽ không tới đâu, dù nó đáng quý, và đến vào lúc mà ta đang tuyệt vọng.
Anh đã từng chán cảnh nhà mình phải không, thì nó là cái nghĩa đó. Em cũng vậy, lòng đã không muốn, thì còn gì đáng kể. Cuộc sống chung chưa là địa ngục, nhưng trong đó đã chứa đầy sự coi thường. Con cái chúng sẽ lớn lên, và nhìn vào tấm gương cha mẹ. Lúc này, em mới càng biết ơn cha mẹ, có thể họ cũng đã từng có những nỗi đau như tất cả, nhưng đã vượt qua được.
Nếu biết việc ta làm sẽ khiến người phải đau, thì ta đã không làm. Nhưng nếu là chuyện không mất gì, thì ta cũng rộng lòng mà đón lấy. Đời ta sẽ vì đó mà có nghĩa hơn, dù là trong một lúc ngắn ngủi. Em cũng đã từng nghĩ đến, lúc mà ta ở trong vòng tay nhau. Ơn trời, đã không như vậy, vì sẽ chỉ là sự thất vọng theo sau đó mà thôi. Tránh đi điều biết trước, vì nó chỉ là một nỗi buồn thứ hai, cộng vào cho nặng thêm nỗi buồn trước.
Em không còn trẻ để không biết mình là ai. Một người mẹ với hai đứa con còn nhỏ, khó có cơ hội để bắt đầu lại. Người chọn em không phải chỉ thương những đứa con em, còn là người cần hiểu em hơn trước nữa. Mình đã đau thì không nỡ cắt thêm vào nỗi đau mà anh đang có. Anh cũng có vui vẻ gì, đúng không.
Anh chưa hiểu.
Trong đời, người ta không tránh được phải lựa chọn một lần. Bằng lòng với mình như thế thôi. Cái buồn không như nhau với mỗi người. Mỗi ngày qua ta lại một nghĩ khác. Em tin nhiều rồi, để không còn tin nữa.

Anh nóilà không có gì phải buồn, vì còn một nơi để đến là tình yêu, điều mà lẽ ra nó phải có mặt trong chính ngôi nhà của mình. Ta đã chưa tìm thấy nó ở nhau, vì em đã nguội lạnh, hay vì đó là bản năng làm mẹ. Nỗi buồn chưa là điều không thể chịu đựng nổi, vì bên em còn có những đứa con. Có cách nào khác hơn để quên không, ngoài việc sống và vui cùng chúng. Em tự hiểu lấy mình, tập quen với sự cô đơn, xa lạ trong chính ngôi nhà của mình.
... Không cần hẹn lại đâu anh, vì một tuần cũng bấy nhiêu ngày, và trong đó không có chỗ cho anh và em.
Em không thật biết mình đang cần gì. Người ta có thể không phải mất công tìm kiếm, vì tất cả đã có sẵn. Là đúng, chỉ việc làm theo.
Em hiểu anh, mình đâu còn nhỏ để mà không hiểu.
Em quý anh, vì anh là người tốt. Anh không cần phải quên em, vì em đã coi anh như bạn.
Mến tặng Em.

15.9.09

Em chờ anh...

Em chờ anh...
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
    Cho đến khi đã có hai thứ tóc trên đầu, lòng ta vẫn sợ phải nghe nói một chữ: không. Điều muốn sẽ trở thành điều ước, và cứ là như thế, chừng nào mà ta vẫn chỉ đừng, không dám.
    Thì ta sẽ nói với nhau những lời khác hơn, khác với hồi còn trẻ. Không cần trước đó phải là bao lâu, mới được coi là đủ để thật hiểu nhau. Em luôn hiểu tôi, nhưng tôi ơi, xin hãy đừng hỏi, để đừng phải nghe điều không thể ấy.
    Vì đó là câu hỏi đã đoán trước được câu trả lời, ít nhất là bây giờ. Vừa xuống sân bay, em đã gọi ngay cho con gái: Mẹ sẽ mua gấu trúc, mua hai chú gà nữa. Ba ngủ chung với hai con hả, nhớ nói là mẹ vừa gọi nhé.
    ... Tôi cảm ơn ông chủ đi cùng, và nói đùa là sẽ xin được hậu tạ, khi ông nhường cho tôi chỗ ngồi cạnh em.
    Trước đó, vì công việc, nên đã gặp nhau mấy lần, nhưng chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến vậy. Lúc này, ánh mắt nhìn chẳng cần phải dấu đi, và quả thật, nếu được vẽ, tôi có thể tả được đúng đôi mắt ấy, những nét rất lạ, trong đó chứa nhiều nỗi buồn. Tôi không thấy mùi nước hoa em vẫn dùng, nên cảm được cái mộc của người phụ nữ đang bước vào độ tuổi đẹp nhất.
    Những khoảng ngắn đáng nhớ, trong đời có thể gặp, cũng chóng qua, rồi ta sẽ phải trở về nhà, ngủ một giấc dài, để ngày mai làm lại công việc cũ. Khổ thay, công việc phải làm chung lại ở một nơi xa, có những khi chỉ có hai người, ai hiểu dùm tôi là có lúc nào đấy không yếu lòng ...Tôi phải nhiều lần nhìn tránh đi, để ngăn mình không nắm lấy bàn tay ấy. Chỉ thế thôi.
    Những câu chuyện đầu tiên thường vẫn được bắt đầu bằng những điều chỉ nói riêng với nhau. Sao anh biết, sao em biết?.
    Cái số phải cầm cọ của tụi mình giống nhau, vì sinh ra đã có sao Long, Phượng đóng hoặc chiếu mệnh, phải làm thợ sơn, nghề xây cất. Không thể khác được, cũng như chuyện hai kiến trúc sư ở hai cơ quan, cùng đến một nơi xa để tìm hiểu loại phân sinh học dùng cho cây trồng, chẳng dính gì đến nghề cả, là một cơ duyên, trong cái sắp đặt diệu huyền của trời đất.
    Em hỏi: anh biết coi bói không. Tôi được dịp may cầm tay người đẹp, và đùa: coi chỉ tay, chỉ chân, coi luôn chỉ rốn. Cái ông này, xem dùm em sướng khổ thế nào. Chỉ tay của em có sanh đạo đôi, hay mơ, hay cảm nên hay khổ, cũng giống anh. Đúng rồi, ba coi cho em cũng nói vậy. Số đào hoa, lúc nào cũng có người theo. Anh thì theo người, em thì người theo. Nắm tay em một lúc lâu, tôi phán: Ông trời không cho ai hết cái gì, cũng không lấy hết đi của ai tất cả.
    - Em thích nghe câu này, cũng nghĩ vậy mà em còn giữ được gia đình mình cho đến bây giờ.
    ... Khoảng bay qua hai múi giờ dần ngắn lại.
    - Làm sao mà em cứ như là đi được vào bụng người khác vậy.
    - Vì bụng ta suy ra bụng người.
    - Ủa, hồi nào, ở trường, có ai dậy như vậy đâu.
    - Em học trường đời.
    - Em có những cái thích giống anh, vậy là tụi mình có được ba điểm chung nhau. Còn hai điểm nữa.
    - Sao ít vậy.  
    - Thì thang mười vậy, anh sẽ bẫy thêm cho đủ mười điểm.
    - Nhưng để làm gì. Chỉ cần một cú sét thôi. Em dẫn một câu tiếng Pháp, và thêm:
    Sét, có muốn cũng khó được. Có nhiều người muốn mà không thấy, cầu cũng không gặp. Em nhìn tôi và hỏi: Anh bị sét đánh bao giờ chưa?
    -  Anh bị trúng nhiều lần, chết đi sống lại.
    -  Anh bị mấy lần rồi ?
    -  Anh sống ở vùng cao nên thường bị luôn. Chứ đâu như em, ở đồng bằng thì hiếm gặp lắm.
    -  Ý anh nói là đời em bằng phẳng ?
    ... Không phải đâu. Em cũng yêu, nhưng lấy chồng không vì yêu. Cho đến khi cầm tờ giấy ra tòa, em vẫn coi anh ấy như một đứa trẻ. Một đứa trẻ không lớn lên, mà chỉ về sống với nhau em mới biết. Anh ấy cùng lớp, làm thạc sỹ ở Úc về thì tụi em cưới. Mà thôi, em không muốn nói đến điều mà người ta vẫn gọi là giáo dục gia đình. Học cao nhưng cũng có thể không có văn hóa, cả ngay với vợ con mình.
    Sau khi nói hết chuyện về sét, chúng tôi gần nhau hơn với những chuyện chỉ mình anh biết thôi, nhé, và được dịp tôi nói luôn: anh gặp sét ngay từ hôm ấy, bây giờ là sét nhắc lại. Anh hay nói vòng vòng, em thích điều dễ hiểu, anh nói thẳng em nghe đỡ mệt hơn.
    Tôi ơi, dám không, khi mà em nói: đàn ông vốn tham, họ chỉ muốn ăn thêm mà thôi.
    Những ngày sau đó, trên những chuyến đi sang các vùng khác trong tỉnh, chúng tôi luôn bên nhau. Một tỉnh của họ lớn hơn cả nước mình, giấc ngủ ngắn trên xe cũng dài được mấy tiếng. Tôi đùa là em có giấc ngủ định hướng, về phía mà em sẽ không vì ngủ say mà phải ngả đầu vào tôi. Em nói: em có ngủ đâu, và giữ gìn để không chạm đến người tôi. Tôi thì luôn biết nhiệt độ người em và bên ngoài xe chênh nhau thế nào. Thật tiếc là các tỉnh phía nam của bạn không có tuyết, trừ vùng núi cao. Nếu không, chúng tôi sẽ có những giờ phút chạy đuổi nhau, tin là thế đi, vì có lẽ tôi chưa già, và trò ném tuyết chẳng phải chỉ dành cho những mối tình thời trẻ. Phòng chúng tôi cạnh nhau, nhưng chỉ gọi điện hỏi thăm, hoặc nhắc giờ để không bị trễ việc.
    Ngày đầu tiên ở chung với tòa lãnh sự, xem được chương trình truyền hình của Việt Nam, tôi thấy mắt em đỏ hoe. Chắc phim hoạt hình nhắc em nhớ con, chúng chỉ theo mẹ, và còn quá nhỏ. Đã hai ngày trôi qua, và hai đêm em khó ngủ. Đêm thứ ba, khi nghe hỏi em có ngủ ngon không, em giận dỗi nói là ngủ thẳng liền một mạch tới sáng. 
    Ngày thứ sáu, gặp nhau trong bữa sáng riêng có của người Quảng (nhẩm trà), em nói:
    - Tối qua em khó ngủ quá. Em chờ anh...
    Tôi tưởng mình nghe lầm, và sẽ một nửa đời còn lại phải ân hận vì đã lỡ mất một dịp may.
    - Không có cái chạc điện nên không thể sạc cái điện thoại.
    - Sao em không gọi anh?
    - Vì nghỉ ở nhiều nơi quá nên em quên mất số phòng anh, tiếng Hoa thì em không biết, ngoài ba chữ mà anh mới chỉ cho em.
    ...
    Vì mưa to và kéo dài nên máy bay không thể xuống Tân Sơn Nhất, phải bay đợi hơn một tiếng đồng hồ và đành ghé Pochentong để lấy dầu rồi mới quay lại. Đấy là những giờ cuối còn ở bên nhau. Tôi không dám nghĩ tới một tia sét nào nữa trên một trời giông bão. Em lại khóc, vì lo bọn trẻ sẽ đói vì phải ra đón mẹ để cùng đi ăn. Chỉ đến khi báo được cho chồng sẽ về trễ, tôi mới thấy lại hơi ấm từ bàn tay em. Nghe điện thoại của vợ tôi, em nói: cảnh sát của anh còn dữ hơn dân phòng nhà em, bồng súng canh suốt hai mươi tư tiếng.
    Đến lúc về nhà mình, tôi vẫn tự hỏi không biết đêm đó, phòng em có còn chỗ nào khác bị hư phải sửa hay thay không, để một lần nữa em gọi tôi sang.
    Dịp may chẳng đến nữa đâu, tôi ạ.
   Chồng và con em đang đợi ở nhà, mấy đứa trẻ la lên: mẹ, mẹ ... Chờ khi chồng đi hẳn vào trong, em quay lại chào tôi và nói dưới mưa:
    - Em chờ anh...
                     mail cho em mấy kiểu chụp trong vườn nhé.
    Vâng!

2.9.09

Chân dung phác nhanh

Chân dung phác nhanh
 Nam Hoài (Nguyễn HoàiNam) 
   Mẹ kể là thầy tử vi đã coi số cho tôi từ nhỏ. Sinh ra đã có tướng làm thuê. Chỉ là người thường, không nghèo cũng không giầu, nhưng về cuối đời thì có khá hơn. Tiền chậm đến với tôi, mà có thì cũng không bao nhiêu, thường phải chờ lâu, nôn ruột lắm. 
   Số tôi không hưởng được gì ở cha mẹ, lại vì không chịu nhờ vả, nên suốt đời chỉ đủ ăn. Làm ăn có lúc lên lúc xuống, nhưng chỉ là làm công. Về già cũng giữ được một chức nhỏ, làm phó cho người, có danh mà ít lộc,cũng lại là cái kiếp nghèo mà thôi. 
   Gặp việc khó gì, tôi cũng một mình vượt qua. Trăm việc, việc nào cũng cố làm như nhau, làm lấy tốt, lấy đẹp, thế nên vì cầu toàn mà cứ khổ. Không làm việc nặng, nhưng lương vẫn thấp. Thân nhàn tâm khổ. Cũng có những sai lầm nhỏ, nhưng không đáng kể, vì ít tiền thì ít mắc sai lầm hơn. 
   Đường tài đã không thông, một đời phải lo nghĩ, đường làm quan lại là con đường hẹp. Phải biết chờ thời, biết đúng dịp, chuyện mới thành, mà biết chờ tới khi nào. Nếu mà mất trước được sau, thì cũng nên chờ. Muốn ngồi ghế cao hơn thì sẽ phải lập mưu, không thế không được, nên hãy làm phó thôi, cho được yên thân. 
   May là có được sức khỏe tốt, nên thường đi nhiều nơi, vì thế mà tôi cũng học được vài cái khôn của người. 
   Cũng phải nói thật, tuổi trẻ có nhiều điều ước, thường đi tìm cái nhất, và không chịu làm cái nhì. Giờ già rồi, chỉ còn có một điều ước nữa thôi. Hoặc không còn ước gì nữa, vì đã có cả rồi. Cái không có thì chắc là đã không thể có, vì ta không còn đủ thời gian để bắt đầu lại cái gì nữa.
  Thì thôi, bảo rằng đời có số cả, cũng nên lấy đó làm vui. Khi chết rồi, thì nghèo giầu cũng khác gì nhau, có mồ nào mà ghi trên bia là nghèo, là ít tiền đâu. 
   À, những lúc cần, tôi cũng là người đáng yêu. Tôi là người dễ, thường hay tin các em, nghe kể khổ là bao nhiêu đem cho hết. Cung nô bộc của tôi, nhìn vào thấy lạ, đóng đủ các sao Đào Hồng Hỷ, như thế bảo sao mà tránh khỏi không có chuyện này chuyện kia, nhưng biết khéo chiều vợ nên nhà cửa vẫn êm. 
   Cũng may là số tôi không được, nhưng được vợ. Tuổi tôi mà gặp vợ tuổi Hợi thì chưa phải tốt lắm, nhưng được vợ hiền, gia đình ít có điều tiếng với xóm giềng. Tôi vẫn mang tiếng là ăn lương vợ, vì có tiền đâu mà bạn bè nhiều, bao nhiêu tới tháng nộp cả mất rồi. Bạn bè cũng dần nhạt, có mấy đứa bạn ruột thì đều do nhậu mà thân. Khó mà làm vui lòng vợ, bao nhiêu cũng không vừa.Vợ tôi nói, không phải là em cần tiền, vợ chồng mình mong được sống dư mà không phải nhờ vả ai là tốt rồi. Ừ, tiền không là gì, chỉ là bao nhiêu thôi, thử không nộp đủ lương coi. Hay là lại mang đi cho con nào rồi.
   Tôi vốn chậm, thường không hiểu được ngay hoặc không hiểu đúng được cái thở dài của vợ. Nếu cứ trông sang nhà người, thì chồng em thua đủ mặt, mình ơi. Em không may lấy phải anh, nhưng cũng may là anh chưa đến nỗi như các bạn anh, họ chỉ vì thơ mà đến thân tàn ma dại. 
   Cái sự hiểu không như nhau với mỗi người. Khi hiểu ra phải làm cái gì khác để ra tiền, tôi bắt đầu thử. Làm đủ các nghề, trừ ra việc phải lừa người. Thế nên mong gì mà đổi đời được. Mấy đứa bạn gặp thời, than thay cho tôi, và cũng chỉ vẽ vài cách làm giàu nhanh, nhưng tôi không có gan làm như họ. Các bạn đều giỏi,ở chỗ dám liều, có đâu như tôi, mới nghe làm điều gì như là thò tay vào túi để lấy tiền của người ta đã sợ.
   Lạ, đời lại có những cái đôi khi, có những lúc chợt, lúc bỗng như thế. Có năm tôi được thần tài giúp, nên bao nhiêu việc hỷ đều có mặt, một tháng có mấy cái đám cưới cũng đi. Thầy phán, qua nửa năm sau thì tốt hơn, cuối năm sẽ được khá, có lộc ăn, có rượu thịt. Năm sau, năm sau nữa, qua hết mấy lần tam tai ... 
  Tôi đã sống vậy nhiều năm rồi, và cái tôi có thì tôi quý, vì nó là của tôi. Tôi sống đúng.
 ... 
   Nhấp miếng chè xanh tôi vừa hãm xong, anh nhìn tôi vẻ tin cậy: 
     - Phác sơ cái bản mặt tôi thế, chú vẽ đi nhé. Đừng nghĩ là tôi làm màu, nhưng lấy cái α800 mà chơi, quashop giả matière, rồi in số là xong. Nhưng khoái chú, vì chú nhìn tôi là tóm được rồi, giờ lại nghe qua chuyện đời nữa, thì họa thế nào chẳng có thần.
   Tôi nhớ nhiều năm trước, khi làm hòn non bộ cho vườn nhà anh, anh nói rất thật: 
     - Này, chú coi dùm tôi cái hướng bàn làm việc, sao nghèo quá. 
   Số anh chỉ đủ ăn, lương thấp, chỉ khoảng bằng năm bằng bảy người ta thôi, nhưng có hai cái nhà ở cùng quận, đi xe xịn, con cái học xa, nghèo vậy thì số đông như họa sỹ tôi đây không biết là cái giống gì. Tôi biết anh thường đi xa, nhưng anh nói chỉ quanh quẩn mấy nước châu Âu, còn châu Á thì chỉ qua lại vì công việc bắt thế, chừng nửa tháng lại phải đi. Anh thường than ít ăn cơm, chỉ uống bia thôi. Lâu lâu phải húp cháo, chắc là cháo ... bào ngư. Anh người Hà Nội, nhưng chắc gốc ở vùng than, vì thường nghe anh thở ra: Đời tôi thất bại, chẳng như ý mình. Phẩm chất lớn nhất ở anh là khiêm tốn, khiêm tốn một cách ... lố bịch. Người xứ Bắc Hà nghe mới hiểu cái kiểu hay nói quá lên, xỏ dọc xỏ ngang của anh. Riêng đám bạn văn chương, từ lâu vẫn lầm anh cũng chỉ là kẻ thơ thẩn thế thôi, không biết anh là một tay trong Bộ đó lắm người phải nhờ cậy. Anh còn giảng dạy mấy trường đại học, nhưng vừa rồi phải thôi, vì đứng thềm quốc gia phải học cao hơn. Với anh, chỉ có không làm được trò gì mới có thời giờ đi học thêm để có cái thạc sỹ. 
     - Già sắp về hưu rồi, tụi nó mới quy hoạch để đẩy tôi lên Tổng, cười chết được. Tôi đã không tranh, thì ai tranh nổi tôi. Anh móc cái điện thoại ra, tôi nghe thấy anh vừa mua rẻ được miếng đất đâu như dưới Bình Hưng Hòa. 
   Thấy tôi nhìn anh với vẻ ngạc nhiên, anh nói: 
     - Không phải đâu. Đất để chôn mình. Mắc hơn cả giá đất sống. Mình muốn vợ chồng có đi thì cũng về chung một chỗ, con cháu chúng nó nhang khói cho cũng tiện. Này, hay là kinh doanh nghĩa trang, chú. 
   Một người tài, nhiều tham vọng, nhưng không toại ý, vì cái muốn của anh nó ở một cái ngưỡng khác, không như tôi và bạn. 
   Anh xỏ chân vào đôi dép lê, lên cái CB tàng màu súng, và ngoái lại:
      - Chú vẽ sao, mặc, ra được cái chất thằng anh chú là ổn. Bao nhiêu là bao nhiêu, hả, nói nhanh vậy đi. Bắt đầu nhé. Anh thêm:
      - Mà này, đừng có ra cái hình trắng toát nhé. Vâng, em đã rõ. Ý anh là tới giờ này mình vẫn sạch đây mà. 
Tôi sống đúng. 
30-08-2009            (Viết cho sinh nhật lần thứ 53)
Related Posts with Thumbnails