18.1.12

Trăng sông cũng một trăng vườn nhà ai


Trăng sông cũng một trăng vườn nhà ai
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)

Hùng và tôi là chỗ thân quen. Mỗi khi có dịp, anh thường rủ tôi ra bờ sông nhậu cho vui. Cũng có khi hết tiền, chỉ ngồi suông, lại mang chuyện văn chương ra làm mồi.
Thơ tôi vào loại xoàng, nhưng thường giành phần đọc cho Hùng nghe. Anh vẫn nói: chơi với ai cũng phải biết cái tính của họ mà chiều. Thằng Nam nó điên từ hồi đi học. Thơ tao cũng có mấy bài trung bình, thế mà cứ phải chịu trận ngồi nghe một mình nó.
Cuối năm, nhìn nhau còn thấy khỏe mạnhtốt rồi. Sống vẫn vui vẻ, chẳng ai phải thấy ngượng vì đã lỡ làm điều không đúng với bạn . Anh em có được gì hơn mình thì cũng mừng cho nhau.
Nói là chịu ơn thì cũng không quá, nhưng thật có một dạo tôi vẫn ăn lương đều chỗ anh Hùng. Làm ăn chung với nhau, gặp khi khó, thì một chầu nhậu cũng xong, nhưng cần nhất là phải có cái mà mang về cho vợ. Trần Hùng bày tôi một chiêu hay: làm gì thì cũng phải đưa tiền cho vợ giữ, nhưng nộp một lần một cục to thì vẫn không được khen bằng nộp ít mà đưa làm nhiều lần. Anh cũng là người cứu tôi nhiều phen, muốn đi đâu xa cứ khai có Trần Hùng theo là êm hết.
Giờ già rồi, gặp nhau thì cũng chỉ nói chuyện xưa. Ngày ấy, đứa nào cũng nghèo như nhau cả. Nhà tôi chỉ trông vào nồi cháo của vợ mà sống qua ngày. Quả thật, bữa đói bữa no đâu chỉ riêng ai. Đó là cái chịu đựng chung của số đông mà ta vẫn gặp mỗi ngày. Đám đông đó được chia đều những phần ăn như nhau, và ai cũng phải xếp hàng hoặc giữ chỗ để chờ cho đến lượt mình, nhưng cũng có vài người tìm cách chen ngang để vượt lên. Dù thiếu thốn nhiều bề, người ta luôn trông đợi vào một ngày mai tốt đẹp, họ tin rằng cuộc sống lúc đó là bắt đầu một thiên đường. Nhưng thiên đường còn ở xa, chỉ có phần thưởng về tinh thần là cái đền bù ngay cho những thiệt thòi mà mỗi người phải chịu.
Người ta biết cách giấu đi cái nghèo hoặc làm cho nó dễ chịu hơn. Không thấy có ai phải mặc áo rách, nhưng một bữa cơm ngon có đủ thịt cá vào đầu tháng vẫn luôn là một điều ước. Trong nhiều năm, cuộc sống cứ thế trôi qua mà không có nhiều thay đổi. Cầm chừng với những thiếu hụt hàng ngày, nhiều người không biết làm gì để thoát cảnh nghèo. Có ai kêu khổ thì cũng chỉ dám nói miệng với nhau.
Tôi vẫn giữ nghề cũ và làm đủ mọi việc để sống còn, tới lúc ấy vẫn không biết cách nào để làm ra món gì đó bán đi cho có tiền. Hùng cũng ái ngại dùm cho tôi, khi nào có việc gì cần, anh cũng nhớ mà kêu tôi trước. Không lẽ mày có tí học hành lại làm phụ hồ, rồi cuối tuần lãnh lương của tao, nhìn sao được?
Cũng là cái duyên, có một ngày, Hùng nhờ tôi vẽ nhà cho người bạn thân. Nghe thấy đã mừng, vì chuyến này gặp được một ông có tiền, thế nào chẳng kiếm được khá. Người này là chủ một phòng trà có tiếng, biết chơi và chịu chơi. Thì cũng phải, thời đó, chẳng nói khôn hay dại, người nào biết mới sống được.
Thời bao cấp, những người làm giàu được không có nhiều. Họ chẳng tranh giành với ai, chỉ biết lo cho nồi cơm nhà mình, thế mà cũng bị làm khó... Tôi hiểu, chỗ làm ăn, không có ai tốt hoặc xấu hẳn, chỉ có người lương thiện nhiều hay ít mà thôi. Buôn bán phải có lời, giữ được cho mình sạch đã khó, làm vừa lòng các chú các anh còn khó hơn. Đi đâu mà chẳng có người tham, nhưng cũng đừng nhìn trời tối mà bảo rằng họ đều xấu hết cả.
… Sau mấy năm làm phòng trà, Trần Mỹ quay ra mở quán ăn. Chị vợ anh làm dâu Quy Nhơn, nên rành các món dân dã miền Trung.
Tưởng thế nào, cũng như tôi và Trần Hùng, Trần Mỹ cũng là người biết nghe lời vợ. Anh nhận chỉ là người làm, nhưng tối đến được ngủ với bà chủ. Mấy bà có nói gì cũng không cãi, cứ gật nhưng có làm theo hay không thì là việc của mình. Mà thật, tiền không để vợ giữ thì cứ ra gầm cầu mà ở.
Còn nhớ lần đầu gặp nhau, Trần Mỹ giữ chúng tôi ngồi lại tới tối. Đợi trăng lên, anh ra đề cho bài toán mà tôi sắp phải làm bằng hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Anh nói:
- Đêm trăng quê mình, nơi đâu cũng là một bức tranh đẹp. Mình sợ làm hỏng cái sông nước của nơi này
Dòng sông mang dáng vẻ một kiếp người, cái không bến bờ là cái dường như thấy mà chẳng thể biết, nó tùy vào cái cảm của mỗi người, và vì vậy càng không có bến bờ nào cả.
 Cái nghề vẽ của tôi có vẻ ít thơ, nhưng đã ai bảo rằng không có. Tôi thích được làm cho ông chủ nào biết nhìn ra cái đẹp, và Trần Mỹ giúp cho tôi cảm được cái hay trong khổ thơ đó. Tôi vẫn tin rằng thơ đến với ta bằng sự đồng cảm, và tôi hiểu được cái thực và cái mộng, cái mờ nhạt và thấp thoáng, của vầng trăng ngày ấy, có ba anh em với nhau.
- Mình cũng không muốn quán đây thành cái trại ăn. Cho nên nhà lợp tranh mới thực là hợp cảnh. Cần có một không gian sân vườn đủ rộng. Người ta đưa vợ con đi ăn cũng phải có chỗ cho bọn trẻ chạy chơi.
Việc khó còn lại của tôi chỉ là vẽ thêm vào khung cảnh có sẵn đó một vài nét. Nói vậy thành ra tự khen mình, nhưng khi thấy Trần Mỹ để rộng chỗ cho tôi vẽ vời, tôi quên ngay việc sẽ được anh trả cho bao nhiêu. Xấu đẹp là chuyện của tôi, còn làm thế nào là việc của Trần Hùng, nhưng đôi khi Hùng góp được nhiều ý hay: cũng như đàn bà, đẹp thì nó phải to to… Trong mấy tháng trời, tôi cùng anh cứ quần cụt đánh trần mà làm. Không may là tôi biết ít về các món ăn, chỉ rành có rau muống, hết luộc lại xào, nên phải học thêm mấy món từ chị Mỹ, đặng để làm cái bếp sao cho tiện việc nấu nướng…
Nơi này có công sức mình góp vào, cái làm được cũng bé nhỏ, nhưng quả thật, mỗi khi tới Sông Trăng, tôi như thấy được trở về nhà mình. Nơi đó có vợ chồng Trần Mỹ, có lũ nhỏ chạy ra la lên: chú Hùng, chú Nam. Còn niềm vui nào hơn.
Vừa lúc Trần Hùng nhắn tôi, hẹn cuối năm gặp nhau một bữa dưới đó. Bạn bè thì sao cũng được, cứ kéo một két ra đấy, uống được tới đâu thì uống, thằng nào có bao nhiêu thơ muốn khoe đều được chiều tuốt. Trần Nam sẽ biết có một Trần Mỹ nhà thơ, nhả lời chậm nhưng đọc rồi sẽ nhớ. Cũng lạ, anh nào Bình Định cũng hay thơ cả, hay vì có thi sĩ họ Hàn cả một đời gắn bó với nơi này…
Năm mới sắp đến rồi. Đã qua đủ những đắng cay, tưởng là lúc này chỉ giữ nhà trông cháu cho con đi làm, thế mà vẫn chưa ai chịu nghỉ ngơi, âu cũng là một kiếp người phải sống cho trọn.
Ba ngày Tết, dễ gì gặp nhau nữa. Thôi thì, đầu năm, mong cho nhau những điều tốt lành. Mỗi một ngày, ta lại trở thành một người tốt hơn.  Nhưng cũng đừng so đo với ngày trước, vì hồi xưa ta trẻ hơn bây giờ mà.
Người con nào phải xa quê mà chẳng nhớ nơi mình đã ra đi. Ánh trăng nào chẳng nhắc ta những ngày cũ. Tôi hiểu tâm trạng của ai khi ngồi nhìn trời nước lúc trăng lên. Có phải nơi sông này, những kẻ yêu nhau từ kiếp trước trao món nợ tình, và đưa nhau vào mộng. Lại kịp dấu vào lòng một giọt nhớ người xưa…
Có những đêm trăng nhạt, sông chỉ còn biết xuôi một dòng … Một cái gì như là thơ vụt qua trong tôi:
trăng sông cũng một trăng vườn nhà ai.
Người phục vụ đứng sau lưng hỏi tôi: Dạ thưa, chú cũng là người Bình Định ạ?.
Tôi không dám khoe đó sẽ là một câu kết của một bài… như là …thơ, nhưng cũng liều gật đầu với cháu gái.
24 Tết Nhâm Thìn.
Nhà Hàng Sông Trăng – Thanh Đa:
(Chủ đầu tư: Ông Văn Công Mỹ; Thiết kế: kts Nguyễn Hoài Nam; Thi công: ks Ngô Thành Hùng)

1 nhận xét:

  1. Vẫn giọng văn cắt tỉa kỷ càng,nói 1 việc nhưng làm người đọc đến cuối mới biết, chúc năm mới đem tiền về cho vợ nhiều lần trong tháng.
    Người làm thơ, viết văn ( được cho là trí thức lịch lảm), nhưng khi tự bỏ tiền túi ra in được 1 tập, chả lẻ để trong tủ nhà mình,thì ai biết mình là văn nhân thi sĩ ( dù là mình ngở vậy), nên cũng ráng cắt tiền đưa cho vợ, để mà mời bạn bè thân hữu gần xa đến cái nhà hàng (ít tiền thì quán cafe) để gọi là ra mắt tập truyện thơ gì đó cho nó văn chương 1 tí ( chứ chả nhẻ gọi là show hàng nhỉ).Nên bác Nam cũng phải tự viết 1 bài gọi là cho có văn chương, nhưng cũng để show hàng mình và thằng bạn mình nữa chứ mà khỏi phải mời ai đến nhà hàng, hay quán cafe mà hao tốn cái khoản nộp cho vợ.
    Ngô Thành Hùng.

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails