15.9.09

Em chờ anh...

Em chờ anh...
Nam Hoài (Nguyễn Hoài Nam)
    Cho đến khi đã có hai thứ tóc trên đầu, lòng ta vẫn sợ phải nghe nói một chữ: không. Điều muốn sẽ trở thành điều ước, và cứ là như thế, chừng nào mà ta vẫn chỉ đừng, không dám.
    Thì ta sẽ nói với nhau những lời khác hơn, khác với hồi còn trẻ. Không cần trước đó phải là bao lâu, mới được coi là đủ để thật hiểu nhau. Em luôn hiểu tôi, nhưng tôi ơi, xin hãy đừng hỏi, để đừng phải nghe điều không thể ấy.
    Vì đó là câu hỏi đã đoán trước được câu trả lời, ít nhất là bây giờ. Vừa xuống sân bay, em đã gọi ngay cho con gái: Mẹ sẽ mua gấu trúc, mua hai chú gà nữa. Ba ngủ chung với hai con hả, nhớ nói là mẹ vừa gọi nhé.
    ... Tôi cảm ơn ông chủ đi cùng, và nói đùa là sẽ xin được hậu tạ, khi ông nhường cho tôi chỗ ngồi cạnh em.
    Trước đó, vì công việc, nên đã gặp nhau mấy lần, nhưng chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến vậy. Lúc này, ánh mắt nhìn chẳng cần phải dấu đi, và quả thật, nếu được vẽ, tôi có thể tả được đúng đôi mắt ấy, những nét rất lạ, trong đó chứa nhiều nỗi buồn. Tôi không thấy mùi nước hoa em vẫn dùng, nên cảm được cái mộc của người phụ nữ đang bước vào độ tuổi đẹp nhất.
    Những khoảng ngắn đáng nhớ, trong đời có thể gặp, cũng chóng qua, rồi ta sẽ phải trở về nhà, ngủ một giấc dài, để ngày mai làm lại công việc cũ. Khổ thay, công việc phải làm chung lại ở một nơi xa, có những khi chỉ có hai người, ai hiểu dùm tôi là có lúc nào đấy không yếu lòng ...Tôi phải nhiều lần nhìn tránh đi, để ngăn mình không nắm lấy bàn tay ấy. Chỉ thế thôi.
    Những câu chuyện đầu tiên thường vẫn được bắt đầu bằng những điều chỉ nói riêng với nhau. Sao anh biết, sao em biết?.
    Cái số phải cầm cọ của tụi mình giống nhau, vì sinh ra đã có sao Long, Phượng đóng hoặc chiếu mệnh, phải làm thợ sơn, nghề xây cất. Không thể khác được, cũng như chuyện hai kiến trúc sư ở hai cơ quan, cùng đến một nơi xa để tìm hiểu loại phân sinh học dùng cho cây trồng, chẳng dính gì đến nghề cả, là một cơ duyên, trong cái sắp đặt diệu huyền của trời đất.
    Em hỏi: anh biết coi bói không. Tôi được dịp may cầm tay người đẹp, và đùa: coi chỉ tay, chỉ chân, coi luôn chỉ rốn. Cái ông này, xem dùm em sướng khổ thế nào. Chỉ tay của em có sanh đạo đôi, hay mơ, hay cảm nên hay khổ, cũng giống anh. Đúng rồi, ba coi cho em cũng nói vậy. Số đào hoa, lúc nào cũng có người theo. Anh thì theo người, em thì người theo. Nắm tay em một lúc lâu, tôi phán: Ông trời không cho ai hết cái gì, cũng không lấy hết đi của ai tất cả.
    - Em thích nghe câu này, cũng nghĩ vậy mà em còn giữ được gia đình mình cho đến bây giờ.
    ... Khoảng bay qua hai múi giờ dần ngắn lại.
    - Làm sao mà em cứ như là đi được vào bụng người khác vậy.
    - Vì bụng ta suy ra bụng người.
    - Ủa, hồi nào, ở trường, có ai dậy như vậy đâu.
    - Em học trường đời.
    - Em có những cái thích giống anh, vậy là tụi mình có được ba điểm chung nhau. Còn hai điểm nữa.
    - Sao ít vậy.  
    - Thì thang mười vậy, anh sẽ bẫy thêm cho đủ mười điểm.
    - Nhưng để làm gì. Chỉ cần một cú sét thôi. Em dẫn một câu tiếng Pháp, và thêm:
    Sét, có muốn cũng khó được. Có nhiều người muốn mà không thấy, cầu cũng không gặp. Em nhìn tôi và hỏi: Anh bị sét đánh bao giờ chưa?
    -  Anh bị trúng nhiều lần, chết đi sống lại.
    -  Anh bị mấy lần rồi ?
    -  Anh sống ở vùng cao nên thường bị luôn. Chứ đâu như em, ở đồng bằng thì hiếm gặp lắm.
    -  Ý anh nói là đời em bằng phẳng ?
    ... Không phải đâu. Em cũng yêu, nhưng lấy chồng không vì yêu. Cho đến khi cầm tờ giấy ra tòa, em vẫn coi anh ấy như một đứa trẻ. Một đứa trẻ không lớn lên, mà chỉ về sống với nhau em mới biết. Anh ấy cùng lớp, làm thạc sỹ ở Úc về thì tụi em cưới. Mà thôi, em không muốn nói đến điều mà người ta vẫn gọi là giáo dục gia đình. Học cao nhưng cũng có thể không có văn hóa, cả ngay với vợ con mình.
    Sau khi nói hết chuyện về sét, chúng tôi gần nhau hơn với những chuyện chỉ mình anh biết thôi, nhé, và được dịp tôi nói luôn: anh gặp sét ngay từ hôm ấy, bây giờ là sét nhắc lại. Anh hay nói vòng vòng, em thích điều dễ hiểu, anh nói thẳng em nghe đỡ mệt hơn.
    Tôi ơi, dám không, khi mà em nói: đàn ông vốn tham, họ chỉ muốn ăn thêm mà thôi.
    Những ngày sau đó, trên những chuyến đi sang các vùng khác trong tỉnh, chúng tôi luôn bên nhau. Một tỉnh của họ lớn hơn cả nước mình, giấc ngủ ngắn trên xe cũng dài được mấy tiếng. Tôi đùa là em có giấc ngủ định hướng, về phía mà em sẽ không vì ngủ say mà phải ngả đầu vào tôi. Em nói: em có ngủ đâu, và giữ gìn để không chạm đến người tôi. Tôi thì luôn biết nhiệt độ người em và bên ngoài xe chênh nhau thế nào. Thật tiếc là các tỉnh phía nam của bạn không có tuyết, trừ vùng núi cao. Nếu không, chúng tôi sẽ có những giờ phút chạy đuổi nhau, tin là thế đi, vì có lẽ tôi chưa già, và trò ném tuyết chẳng phải chỉ dành cho những mối tình thời trẻ. Phòng chúng tôi cạnh nhau, nhưng chỉ gọi điện hỏi thăm, hoặc nhắc giờ để không bị trễ việc.
    Ngày đầu tiên ở chung với tòa lãnh sự, xem được chương trình truyền hình của Việt Nam, tôi thấy mắt em đỏ hoe. Chắc phim hoạt hình nhắc em nhớ con, chúng chỉ theo mẹ, và còn quá nhỏ. Đã hai ngày trôi qua, và hai đêm em khó ngủ. Đêm thứ ba, khi nghe hỏi em có ngủ ngon không, em giận dỗi nói là ngủ thẳng liền một mạch tới sáng. 
    Ngày thứ sáu, gặp nhau trong bữa sáng riêng có của người Quảng (nhẩm trà), em nói:
    - Tối qua em khó ngủ quá. Em chờ anh...
    Tôi tưởng mình nghe lầm, và sẽ một nửa đời còn lại phải ân hận vì đã lỡ mất một dịp may.
    - Không có cái chạc điện nên không thể sạc cái điện thoại.
    - Sao em không gọi anh?
    - Vì nghỉ ở nhiều nơi quá nên em quên mất số phòng anh, tiếng Hoa thì em không biết, ngoài ba chữ mà anh mới chỉ cho em.
    ...
    Vì mưa to và kéo dài nên máy bay không thể xuống Tân Sơn Nhất, phải bay đợi hơn một tiếng đồng hồ và đành ghé Pochentong để lấy dầu rồi mới quay lại. Đấy là những giờ cuối còn ở bên nhau. Tôi không dám nghĩ tới một tia sét nào nữa trên một trời giông bão. Em lại khóc, vì lo bọn trẻ sẽ đói vì phải ra đón mẹ để cùng đi ăn. Chỉ đến khi báo được cho chồng sẽ về trễ, tôi mới thấy lại hơi ấm từ bàn tay em. Nghe điện thoại của vợ tôi, em nói: cảnh sát của anh còn dữ hơn dân phòng nhà em, bồng súng canh suốt hai mươi tư tiếng.
    Đến lúc về nhà mình, tôi vẫn tự hỏi không biết đêm đó, phòng em có còn chỗ nào khác bị hư phải sửa hay thay không, để một lần nữa em gọi tôi sang.
    Dịp may chẳng đến nữa đâu, tôi ạ.
   Chồng và con em đang đợi ở nhà, mấy đứa trẻ la lên: mẹ, mẹ ... Chờ khi chồng đi hẳn vào trong, em quay lại chào tôi và nói dưới mưa:
    - Em chờ anh...
                     mail cho em mấy kiểu chụp trong vườn nhé.
    Vâng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails